YênBái - Bưởi Đại Minh - sản vật tiến vua, chè Bát Tiên Bảo Hưng, trà Tuyết Sơn Trà, gạo Séng cù, quế điếu thuốc, dầu lạc đỏ, dầu lạc trắng, lạc ri vỏ đỏ, miến đao... đang là những sản phẩm làm nên "thương hiệu" OCOP Yên Bái.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy tham quan các sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái. |
>> Bài 1: Những thành quả bước đầu
Thực tế chứng minh, Chương trình OCOP giúp nâng tầm nông sản địa phương và quan trọng hơn là thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Từ chỗ sản xuất manh mún, đơn giản đã chuyển mạnh sang phát triển các sản phẩm theo hướng chuyên sâu, hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị.
Yên Bái có nhiều đặc sản truyền thống nổi tiếng mang thương hiệu riêng nhưng việc đưa sản phẩm ra thị trường nhiều năm trước rất khó khăn. Chương trình OCOP khởi động được kỳ vọng góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao giá trị sản phẩm cho người dân.
Bưởi Đại Minh ở huyện Yên Bình là sản vật tiến vua một thời, được đánh giá là 1 trong 7 giống bưởi quý, thơm ngon nổi tiếng, "cùng phân khúc” với các giống bưởi như Năm Roi, Phúc Trạch, Thanh Trà, Diễn… Tuy nhiên, do trước đây bà con chỉ quen với việc trồng, chăm sóc, thu hái theo truyền thống nên giá trị kinh tế chưa cao.
Từ khi vùng bưởi Đại Minh được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao (năm 2019), gia đình ông Cao Tiến Mạnh cũng như hàng trăm hộ dân khác ở xã Đại Minh đã chuyển đổi trồng, chăm sóc, thu hái bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi tham gia chuỗi sản xuất sạch hữu cơ, giá trị từ cây bưởi được nâng lên, rễ cây khỏe hơn, quả đẹp hơn và để được lâu hơn… Bưởi Đại Minh được các doanh nghiệp bao tiêu, phân phối gần như toàn bộ. Với cách làm này, năm 2020, vườn bưởi của ông Mạnh cho thu nhập gần 100 triệu đồng".
Trước đây về kỹ thuật tôi chủ yếu dựa theo kinh nghiệm của bản thân, am hiểu về khoa học, kỹ thuật thì không có. Tham gia Chương trình OCOP, tôi được các nhà khoa học tập huấn cho kỹ thuật, kết hợp giữa kỹ thuật với kinh nghiệm của mình trong sản xuất cây bưởi đã làm cho quả sáng đẹp, chất lượng tốt lên, hy vọng nó sẽ vươn xa…” - ông Mạnh chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình tự hào: "Bưởi Đại Minh được xác định là cây ăn quả đặc sản và sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh, của huyện. Mỗi năm, bưởi Đại Minh cho sản lượng khoảng 100.000 tấn và doanh thu 160 tỷ đồng, tạo sinh kế và thu nhập ổn định cho hơn 3.000 hộ nông dân. Đến nay, bưởi Đại Minh đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước nhưng nhiều nhất là các thành phố: Hà Nội, Vĩnh Yên, Việt Trì, Lào Cai”.
Vùng chè Bát Tiên Bảo Hưng (Trấn Yên) sản xuất nguyên liệu chế biến cho sản phẩm OCOP 4 sao.
Là sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP 3 sao trong tốp đầu của tỉnh Yên Bái, sản phẩm chè Bát Tiên Bảo Hưng (Trấn Yên) được đánh giá cao và đạt chuẩn sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Bảy – Chủ tịch UBND xã Bảo Hưng cho biết: "Là vùng trọng điểm sản xuất chè của huyện Trấn Yên, xã Bảo Hưng có tổng diện tích chè gần 300 ha, trong đó có hơn 200 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Từ bao đời nay, cây chè luôn gắn bó mật thiết với người nông dân và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trong xã. Nếu như trước kia, người dân chủ yếu canh tác theo cách làm truyền thống, việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý đã làm giảm năng suất, chất lượng của chè".
"Để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, địa phương đã vận động nhân dân nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển Chương trình khí sinh (QSEAP); thực hiện mô hình "Sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2017-2019. Từ chỗ chỉ biết canh tác theo truyền thống, giờ đây người dân xã Bảo Hưng đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chè, môi trường, sức khỏe của các hộ trong sản xuất. Sản phẩm chè Bát Tiên Bảo Hưng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao là thành quả cho những cố gắng tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn của người dân, đây cũng là tiền đề để sản phẩm chè Bát Tiên Bảo Hưng được phân phối trong các hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trong cả nước”. Ông Bảy nói.
Tuy mới ở giai đoạn đầu triển khai thực hiện Chương trình OCOP, song ở mỗi địa phương đang có những cách làm phù hợp, bước đầu khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân.
Sau 2 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có 83 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 đến 4 sao.
Các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, được khách hàng đánh giá cao, lựa chọn tin dùng, đạt tăng trưởng, doanh thu cao hơn từ 10-25% so với trước, như: trà Tuyết Sơn Trà (Văn Chấn); bưởi Đại Minh, (Yên Bình); gạo Séng cù (Nghĩa Lộ); trà Bát Tiên, quế điếu thuốc, nguồn nước tinh khiết từ thiên nhiên Ban Na, miến đao xã Quy Mông (Trấn Yên); dầu lạc đỏ Thái Sơn, dầu lạc trắng, lạc ri vỏ đỏ Thái Sơn (Lục Yên); miến đao Giới Phiên, dưa lê Âu Lâu, chanh tứ thời Văn Phú, dưa chuột Văn Phú, rau cải ngọt Tuy Lộc, mật ong đa hoa tự nhiên (thành phố Yên Bái)…
Có thể khẳng định OCOP làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo ra nhiều công ăn việc làm ở khu vực nông thôn.
Việc phát triển sản xuất các sản phẩm nông sản, tiểu thủ công nghiệp chủ lực, đặc trưng, tiềm năng tại các địa bàn nông thôn góp phần tạo công ăn việc làm, hạn chế việc di dân từ nông thôn ra thành thị, giữ gìn ổn định xã hội, từng bước đưa kinh tế khu vực nông thôn của tỉnh phát triển theo chiều sâu và bền vững.
Để Chương trình OCOP được thực hiện có kết quả cao, Yên Bái đã thành lập hệ thống tổ chức chỉ đạo, điều phối và đội ngũ cán bộ chuyên trách đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã và đặc biệt tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình OCOP với các nội dung hỗ trợ như: hỗ trợ quy hoạch chi tiết; chuyển giao công nghệ, trang thiết bị; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; chính sách đào tạo nguồn nhân lực; chính sách thưởng cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đạt 3-5 sao của Chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được tập trung thực hiện, nhằm làm thay đổi nhận thức của cán bộ các cấp, của cộng đồng về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP; đồng thời phổ biến các nội dung, chính sách của Chương trình đến doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các cơ sở sản xuất. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, Yên Bái đã rà soát, lựa chọn các sản phẩm, các mô hình để chỉ đạo điểm theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP; đồng thời tỉnh cũng bố trí ngân sách hỗ trợ một số nội dung để phát triển, tiêu chuẩn hóa sản phẩm như: xây dựng bộ nhận diện thương hiệu; xúc tiến thương mại; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; kiểm nghiệm đánh giá chất lượng và đề xuất biện pháp nâng cao chất lượng...
Tuy thời gian thực hiện chưa nhiều nhưng Chương trình OCOP ở Yên Bái đã có những thành công bước đầu, dần tạo sức lan tỏa rộng rãi; các sản phẩm tham gia Chương trình phát triển tốt và có những chuyển biến rõ rệt về chất lượng cũng như mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Có thể khẳng định, Chương trình OCOP tỉnh Yên Bái là hướng đi đúng, là một trong những giải pháp góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, là chương trình phát triển kinh tế vùng nông thôn gắn phát triển nội lực của mỗi địa phương với điều kiện tự nhiên, văn hóa của cơ sở.
Nguồn: Báo Yên Bái