YênBái - Yên Bái là một trong những tỉnh thuộc "tốp đầu” khu vực trung du và miền núi phía Bắc thực hiện Chương trình OCOP theo Quyết định số 490 ngày 7/5/2018 và Quyết định số 1048 ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy tham quan gian trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh. |
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…
Yên Bái là một trong những tỉnh thuộc "tốp đầu” khu vực trung du và miền núi phía Bắc thực hiện Chương trình OCOP theo Quyết định số 490 ngày 7/5/2018 và Quyết định số 1048 ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn Yên Bái làm nơi tổ chức Hội nghị tổng kết xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) giai đoạn 2016-2020, định hướng giai đoạn 2021-2025.
Hội nghị đã luận bàn về việc đổi mới mạnh mẽ phương thức sản xuất để phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP, tìm hiểu, học tập cách làm và những kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình OCOP ở các địa phương.
Với Yên Bái, mặc dù mới triển khai thực hiện được gần 2 năm, song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc chủ động, tích cực của ngành chức năng, các địa phương và nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ dân, Chương trình OCOP đã đạt những kết quả quan trọng đáng ghi nhận.
Đây là một minh chứng rõ nét ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Gần 2 năm qua, vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu trong việc xác định mục tiêu, lựa chọn hướng đi, cách làm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 217 ngày 17/12/2018 về triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 – 2020; Quyết định số 1158 ngày 1/7/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án "Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 -2020, định hướng đến năm 2030, bổ sung nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới để thực hiện Chương trình OCOP từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Bưởi Đại Minh được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Ông Nhâm Xuân Trường - Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh chia sẻ: "Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh đã chủ động lồng ghép nội dung Chương trình OCOP vào quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành mình. Các huyện, thị, thành phố đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh và các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm nghề truyền thống của mình để cải tiến, nâng cấp chất lượng theo tiêu chí OCOP. UBND các huyện, thị, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn; thành lập, kiện toàn hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ dân triển khai thực hiện, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ triển khai thực hiện chương trình một cách hiệu quả.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh) phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Trung tâm Tư vấn và Phát triển nông thôn Bắc Bộ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn tuyên truyền về Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” cho cán bộ của các sở, ban, ngành đoàn thể và các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể có đăng ký kinh doanh) trên địa bàn 9/9 huyện, thị xã, thành phố với 1.440 lượt người tham gia.
Việc triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP đã được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện, nội dung chương trình đào tạo, tập huấn phù hợp với yêu cầu thực tế xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.
Xác định công tác tuyên truyền có vai trò đặc biệt quan trọng để nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành đã tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về sự cần thiết, các nguyên tắc triển khai, nội dung Đề án, các hỗ trợ của Nhà nước, các mô hình điển hình về triển khai Đề án, phát triển sản phẩm và đặc biệt là đề xuất ý tưởng sản phẩm, từ đó khởi đầu chu trình thực hiện Đề án của cộng đồng.
Ngay sau khi Đề án OCOP được phê duyệt, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai quán triệt về Chương trình OCOP tỉnh Yên Bái; trả lời phỏng vấn về Chương trình OCOP năm 2019 trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Yên Bái, nhằm chuyển tải nội dung về Chương trình OCOP đến với mọi tầng lớp nhân dân; in ấn, phát hành các ấn phẩm tuyên truyền về Chương trình OCOP. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức triển khai hội nghị quán triệt về Chương trình OCOP tỉnh Yên Bái tới các phòng, ban chuyên môn, cán bộ các xã, phường, thị trấn cùng đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ có đăng ký kinh doanh trên địa bàn.
Thông qua công tác tuyên truyền nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa và lợi ích khi tham gia Chương trình OCOP được nâng cao, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong nhân dân và cộng đồng dân cư.
Các tổ chức kinh tế nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần hình thành hệ thống tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong khu vực nông nghiệp và nông thôn. Nhờ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nên Chương trình OCOP của tỉnh đã đạt được những kết quả nổi trội, khá toàn diện.
Hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 83 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 đến 4 sao, trong đó có 8 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 75 sản phẩm hạng 3 sao. Đó không chỉ là sản phẩm vật chất đơn thuần mà còn là "sứ giả" văn hóa kết nối Yên Bái với bạn bè trên khắp mọi miền đất nước và trên thế giới.
Giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh đã tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia hơn 15 hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu với quy mô từ 2 - 6 gian hàng như Chương trình Hội trợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2019; Hội nghị triển lãm thành tựu 10 năm Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc, tại tỉnh Hòa Bình; Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2020 tại Hà Nội; Hội chợ Thương mại OCOP vùng Tây Bắc – Hòa Bình; Phiên chợ Tuần nông sản an toàn thực phẩm năm 2020 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng...
Qua các hoạt động xúc tiến thương mại đã tạo điều kiện cho các chủ thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gần hơn với người tiêu dùng trong cả nước và nước ngoài. Từ đó các chủ thể đã tìm kiếm các đối tác để thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Có thể khẳng định Chương trình OCOP của tỉnh đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện, thành phố tập trung, tích cực chỉ đạo, hướng dẫn triển khai chương trình trong phạm vi quản lý. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX, hộ nông dân có nhiều thay đổi về nhận thức, nhất là lợi ích, ý nghĩa của Chương trình OCOP đối với việc phát triển sản phẩm và chiến lược sản xuất, kinh doanh của mình trong thời điểm hiện nay.
Nguồn: Báo Yên Bái