Tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng đe dọa sẽ rút khỏi WTO, nếu tổ chức không được cải thiện. Các nhà phân tích nhận định sự rút lui của Mỹ khỏi WTO sẽ là một đòn chí mạng, không chỉ đối với chính tổ chức này mà còn đối với chủ nghĩa đa phương, hợp tác toàn cầu và toàn bộ hệ thống thương mại quốc tế.
Được thành lập vào năm 1995, WTO có trụ sở tại Geneva, đã tạo không gian cho các chính phủ đàm phán các thỏa thuận thương mại và giải quyết tranh chấp, với mục đích cuối cùng là giúp các nhà sản xuất hàng hóa và dịch vụ, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu thuận lợi tiến hành các hoạt động kinh doanh. Với 164 thành viên chiếm 98% tổng thương mại toàn cầu, WTO đã hạ thấp các rào cản thương mại và thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy các nền kinh tế đang phát triển thông qua các chính sách thương mại ưu đãi.
Vậy tại sao nước Mỹ đe dọa rút lui? Tổng thống Trump lên tiếng về các tranh chấp thương mại do WTO giải quyết. Mặc dù Mỹ không thắng mọi vụ kiện mà họ tham gia, nhưng các phán quyết của WTO có lợi cho khoảng 90% thời gian khi Mỹ là nước khiếu nại. Nước Mỹ thua trong khoảng 90% các vụ kiện mà các quốc gia khác đưa ra chống lại các hoạt động thương mại của mình.
WTO cũng bị chỉ trích vì không theo kịp những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu, với sự tăng trưởng nhanh chóng trong các lĩnh vực dịch vụ và công nghệ khó điều tiết hiệu quả. Mỹ nắm quyền lực trong việc đề cử các thẩm phán tại Cơ quan Phúc thẩm của WTO và hiện từ chối cho phép bất kỳ thẩm phán mới nào được bổ nhiệm để quyết định các tranh chấp. Một số nhiệm kỳ của các thẩm phán trong Cơ quan phúc thẩm sẽ hết hạn trong năm nay và không có sự chấp thuận mới nào từ Mỹ có nghĩa là sẽ có ít hơn ba thành viên còn lại - không đủ để đưa ra phán quyết về bất kỳ tranh chấp nào. Nếu không có cải cách, sự bế tắc này đối với Cơ quan phúc thẩm thể hiện một mối đe dọa hiện hữu rất nghiêm trọng đối với WTO.
WTO có thể được cải cách không? Về lý thuyết là có thể. Trung Quốc cũng đã lên tiếng ủng hộ sự thay đổi tại WTO, và Liên minh Châu Âu đã tìm cách đưa ra các đề xuất cải cách WTO. Vào tháng 11 năm ngoái, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra ba nguyên tắc cơ bản và năm đề xuất liên quan đến cải cách WTO, kêu gọi cơ quan thực thi các quy tắc do cộng đồng quốc tế cùng thực hiện, thay vì thiểu số thành viên. Trong đó một trong những thách thức lớn nhất đối với cải cách WTO là bất kỳ thay đổi lớn nào cũng cần sự chấp thuận nhất trí từ mỗi thành viên. Vòng đàm phán Doha là một ví dụ, đến nay đã hơn 18 năm kể từ lần đầu tiên được đề xuất, là dự thảo cải cách WTO nhưng đã thất bại vì vẫn chưa được 164 thành viên chấp thuận.
Nguồn: Báo Công thương