Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt 202,68 tỷ USD, tăng 8,8%, tương ứng tăng 16,47 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 128,19 tỷ USD, tăng 6,6% (tương ứng tăng 7,89 tỷ USD). Còn trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 74,49 tỷ USD, tăng 13% (tương ứng tăng 8,59 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.
Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 634 triệu USD nửa cuối tháng 5 |
Về xuất khẩu, tính đến hết tháng 5 năm 2019, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 101,12 tỷ USD, tăng 7,1% tương ứng tăng 6,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao là điện thoại và linh kiện (19,72 tỷ USD), máy tính và sản phẩm điện tử (12,55 tỷ USD), hàng dệt may (12,19 tỷ USD), giày dép (7,11 tỷ USD), máy móc thiết bị, gỗ, phương tiện vận tải…
Về nhập khẩu, tổng trị giá nhập khẩu hàng hoá trong 5 tháng đầu năm đạt 101,56 tỷ USD, tăng 10,6% (tương ứng tăng 9,77 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất là máy vi tính, máy móc thiết bị, vải, điện thoại, chất dẻo, kim loại thường…
Trong nửa cuối tháng 5 năm 2019, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 634 triệu USD, tuy nhiên cán cân thương mại hàng hóa của của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019 đã thâm hụt 434 triệu USD.
Xét về mặt thuận lợi, sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam đang tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2019 là cơ sở để kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ có những bứt phá trong những năm tới. Tính đến ngày 20/5, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 5 tháng còn có 3.160 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 7,65 tỷ USD, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2018).
Chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 Quốc hội giao là khoảng 7-8%, Chính phủ giao cho Bộ Công Thương phấn đấu mức tăng trưởng từ 8-10%. Theo Bộ Công Thương, mặc dù XK thường tăng tốc trong giai đoạn nửa cuối năm song để đạt được con số trên là nhiệm vụ khá khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu suy giảm như hiện nay.