Bạn đang ở đây

Nới vốn hỗ trợ cho công tác khuyến công

14/11/2019 09:05:59
noi von ho tro cho cong tac khuyen cong
Tăng vốn khuyến công tạo điều kiện cho các cơ sở mở rộng sản xuất, kinh doanh

Theo số liệu từ Sở Công Thương Long An, nguồn vốn dành cho công tác khuyến công của tỉnh hơn 10 năm qua bình quân đạt trên 2 tỷ đồng/năm, trong đó kinh phí khuyến công địa phương vẫn giữ vai trò chủ đạo với hơn 1 tỷ đồng.

Nếu so với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn kinh phí hàng năm của khuyến công Long An không thấp. Tuy nhiên, con số này lại chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Đơn cử, với đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, doanh nghiệp thường đầu tư tới con số tiền tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng, trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ của khuyến công rất thấp.

Theo nhận định của đại diện Sở Công Thương Long An, định mức hỗ trợ theo quy định hiện hành không đủ khuyến khích các cơ sở tiếp cận và thụ hưởng. Bản thân cơ sở công nghiệp nông thôn chủ yếu sản xuất với quy mô hộ gia đình nên tiềm lực tài chính có hạn, rất khó để đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, việc đáp ứng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách khuyến công cũng là điều khó.

Để khắc phục một phần bất cập trên, mới đây, UBND tỉnh Long An đã ban hành Quyết định số 45/2019/QĐ-UBND quy định về xây dựng, thẩm định, phê duyệt chương trình, kế hoạch, đề án và quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công. Quyết định này thay thế cho Quyết định số 61/2014/QĐ-UBND quy định về xây dựng, thẩm định, phê duyệt chương trình, kế hoạch, đề án và quản lý sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Long An.

So với quyết định số 61, quyết định số 45 có nhiều thay đổi, kinh phí hỗ trợ cho một số nội dung khuyến công cao hơn rất được các cơ sở công nghiệp nông thôn quan tâm. Cụ thể, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 700 triệu đồng/mô hình; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đang hoạt động có hiệu quả cần phổ biến tuyên truyền, nhân rộng để các tổ chức, cá nhân khác học tập, mức hỗ trợ tối đa 80 triệu đồng/mô hình; hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp tối đa 30% chi phí nhưng không quá 400 triệu đồng/mô hình; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tối đa 50% chi phí nhưng không quá 250 triệu đồng/cơ sở.

Ngoài ra, kinh phí khuyến công còn hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn không quá 7 triệu đồng/doanh nghiệp; tổ chức và tham gia hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, hàng thủ công mỹ nghệ trong nước…

Những quy định trên đã nới đáng kể nguồn kinh phí hỗ trợ cho triển khai một số nội dung khuyến công. Điều này sẽ là nền tảng tốt cũng như tăng đáng kể động lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia và thụ hưởng chính sách khuyến công. Cùng đó, để gia tăng hiệu quả cho công tác khuyến công, Sở Công Thương Long An sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ cho các đề án trọng điểm, cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm công nghệ cao; tuyên truyền sâu rộng về chính sách khuyến công tới cơ sở công nghiệp nông thôn và các ngành chức năng nhằm tạo sự gắn kết trong triển khai công tác khuyến công.

Từ năm 2006 - 2018, khuyến công Long An đã triển khai 177 đề án khuyến công với tổng kinh phí 26,6 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn khuyến công, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đã phát huy hiệu quả.

Nguồn: báo Công thương