Bạn đang ở đây

Nỗi lo lớn khi du lịch mở cửa trở lại

07/04/2022 13:56:28

Du lịch Việt Nam đã mở toang cánh cửa để phục hồi sau khủng hoảng vì dịch bệnh, nhưng thách thức lớn nhất hiện nay chính là nguồn nhân lực đã bị thất thoát sau hơn 2 năm đại dịch.

Du lịch là ngành có cơ cấu nhân lực giữa các độ tuổi có xu hướng ổn định, không biến động lớn. Ngành du lịch có lực lượng nguồn nhân lực trẻ, dưới 30 tuổi chiếm tới 40%, từ 31-40 tuổi chiếm 36%, từ 41-50 tuổi chiếm 21% và trên 50 tuổi chiếm 3%.

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lực lượng nhân lực kế cận và lực lượng nhân lực đang làm việc của ngành du lịch ở độ “vàng”, đủ để đảm bảo gánh vác nhiệm vụ phát triển ngành; cơ cấu nhân lực theo độ tuổi hợp lý; đủ khả năng chuyển giao giữa các thế hệ.

Nỗi lo lớn khi du lịch mở cửa trở lại
Doanh nghiệp du lịch đang tăng tốc tuyển dụng nhân sự chất lượng

Trước đại dịch Covid-19, nguồn nhân lực du lịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, hoạt động tổ chức đào tạo đã chuyển dần từ cách thức tiếp cận theo quy trình sang tiếp cận theo năng lực; gắn kết đào tạo với phát triển kỹ năng nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo đã gắn kết chặt chẽ hơn với hoạt động của doanh nghiệp…

Tổng số cơ sở đào tạo có tham gia đào tạo lĩnh vực du lịch đến thời điểm hiện nay gồm 278 trường, gồm: 101 trường đại học, 110 trường cao đẳng và 67 trường trung cấp; hệ thống các ngành nghề đào tạo lĩnh vực du lịch đã được hoàn thiện các bậc đào tạo từ sơ cấp đến tiến sỹ, khẳng định vai trò và vị thế của ngành du lịch.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, du lịch là một trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Theo WTTC (Hội đồng lữ hành thế giới), chỉ trong hai năm 2020-2021, đại dịch đã làm mất đi 62 trên tổng số 334 triệu việc làm trong ngành du lịch.

Tại Việt Nam, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, xuất phát từ lý do doanh nghiệp du lịch không hoạt động hoặc hoạt động mang tính duy trì đã dẫn đến việc người lao động du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, doanh nghiệp chỉ duy trì bộ khung với số lượng rất nhỏ nhân viên, còn lại cho nghỉ việc, chờ việc; có doanh nghiệp có hỗ trợ cho người lao động, có doanh nghiệp không, dẫn đến việc chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động. “Tình trạng này dẫn đến việc thất thoát nhân lực đối với lĩnh vực du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ”- ông Bình nhấn mạnh.

Thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành du lịch lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Trong năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng.

Trong bối cảnh hiện nay, một số chuyên gia lo ngại, việc thiếu nhân lực trong ngành du lịch, kể cả nhân lực có chất lượng cao là không thể tránh khỏi khi Việt Nam mở cửa và phục hồi ngành du lịch.

Lux Group là doanh nghiệp chuyên đón khách quốc tế sử dụng các dịch vụ cao cấp, tuy nhiên, CEO Lux Group Phạm Hà cho hay, trước đại dịch nhiều nhân sự của doanh nghiệp nghỉ việc vì không thích ứng được trước sự thay đổi của thị trường. Mặt khác, có những nhân sự đã chuyển nghề trong giai đoạn dịch bùng phát, nay việc thuyết phục họ quay trở về rất khó khăn. “Thói quen du lịch của du khách đang thay đổi, trong đó họ chú trọng nhiều hơn về trải nghiệm, vì thế buộc các doanh nhiệp phải có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, có kinh nghiệm thấu hiểu khách hàng”- ông Hà chia sẻ.

Hiện tại, nhu cầu tuyển dụng trong ngành du lịch đang tăng cao, nhiều doanh nghiệp chạy đua thực hiện chính sách hấp dẫn, nhưng vẫn rất chật vật để có thể thu hút được nhân lực phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi mới.

Nỗi lo lớn khi du lịch mở cửa trở lại
Trong dài hạn, ngành du lịch cần nghiên cứu nhu cầu thị trường, dự báo phát triển để có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo phù hợp

Chia sẻ giải pháp nhân lực cho ngành kinh tế xanh, theo GS.TS Nguyễn Văn Đính, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ngành du lịch cần xây dựng hệ thống dữ liệu về lao động của doanh nghiệp, liên kết các thông tin của doanh nghiệp với các cơ quan quản lý liên quan và với các phương tiện truyền thông, mạng xã hội nhằm tăng cơ hội tìm việc làm mới hoặc quay trở lại làm việc của người lao động. Mặt khác, doanh nghiệp cũng phải phối hợp với các cơ sở đào tạo du lịch để tuyển dụng lao động lâu dài hoặc tạm thời phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Trong điều kiện bình thường mới, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch cho rằng, cần rà soát nguồn nhân lực du lịch, nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, thiếu hụt về chuyên môn nghiệp vụ của từng bộ phận; nghiên cứu nhu cầu thị trường, dự báo phát triển du lịch để tính toán nhu cầu đào tạo tập trung, đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của từng địa phương, cơ sở.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, để giữ chân người lao động, việc đảm bảo điều kiện sống, điều kiện làm việc và an toàn cho người lao động trong điều kiện bình thường mới là hết sức quan trọng. Như, cần tạo điều kiện hỗ trợ người lao động và gia đình họ nơi ăn, chốn ở để họ yên tâm làm việc trong giai đoạn đầu. Các khoản kinh phí nói trên cần có sự hỗ trợ theo chính chính sách của nhà nước, của chính quyền Trung ương và địa phương và các tổ chức đòan thể chính trị, xã hội cũng như cộng đồng.

Ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh, giải pháp cấp bách về nhân lực hiện nay đó là rà soát các chính sách hỗ trợ của nhà nước, bổ sung, điều chỉnh và tổ chức triển khai các gói hỗ trợ tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp du lịch, khu, điểm tham quan, di tích. Trong đó, chú trọng các chính sách hỗ trợ người lao động; miễn, giảm thuế, cắt giảm các khoản phí khác để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì nhân lực phù hợp với điều kiện tổ chức kinh doanh.

Trước các vấn đề cấp bách của nhân lực du lịch, tại Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2030”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã xác định: Phát triển nguồn nhân lực du lịch với quy mô số lượng, cơ cấu và chất lượng đáp ứng yêu cầu phục hồi ngành du lịch phù hợp với từng giai đoạn cụ thể; hình thành cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực du lịch làm căn cứ để tổ chức quản lý, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch cho từng giai đoạn cụ thể đáp ứng yêu cầu phát triển ngành.

Nguồn: Báo Công thương