NHỮNG ĐIỀU DOANH NGHIỆP CẦN LƯU Ý KHI XUẤT KHẨU SANG THỊ TRƯỜNG NHẬT BẢN, HÀN QUỐC, TRUNG QUỐC, NGA, ITALIA VÀ HOA KỲ
Năm 2021 và năm 2022 với nhiều biến động và thách thức chưa từng có trong lịch sử, đem đến nhiều hệ lụy và tác động đa lĩnh vực ở tầm toàn cầu, đồng thời kéo dài sang năm 2023. Dịch Covid-19 tác động tới mọi mặt của kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng, làm đứt gãy chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng do thực hiện các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát đã khiến hoạt động thương mại nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn.
Dù tình hình thế giới đã có những phục hồi tích cực, tuy vậy, việc xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục gặp những trở ngại về mặt vĩ mô và môi trường kinh doanh trong năm 2023. Những cú sốc về chuỗi cung ứng tại các thị trường xuất khẩu làm giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá cước vận chuyển tăng cao khiến giá thành hàng hóa ở mức cao, nhu cầu tiêu thủ giảm, ảnh hưởng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù vậy, với xu hướng hội nhập của đất nước, ngành chế biến thực phẩm có cơ hội lớn để mở rộng và đa dạng quan hệ hợp tác với các nước để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành phát triển, tăng cường cơ hội xuất khẩu. Thị trường tỷ dân Trung Quốc đã mở cửa trở lại sẽ thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm chế biến.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu tỉnh Yên Bái trong việc thuận lợi kết nối với các thị trường truyền thống đã bị gián đoạn trong thời gian diễn ra dịch Covid-19. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thông báo tới doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh thông tin yêu cầu về hàng hóa nhập khẩu vào một số thị trường như sau:
I. THỊ TRƯỜNG NHẬT BẢN
- Đảm bảo chất lượng sản phẩm; đảm bảo sự ổn định về giá bán và sản lượng cung ứng vì thị trường Nhật có tiêu chuẩn cao, khó vào nhưng nếu đã vào được thì sẽ ổn định và lâu dài.
- Hợp tác với đối tác Nhật Bản để cải tiến thiết kế, mẫu mã cho phù hợp thị hiếu người Nhật, chú trọng công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu, xây dựng website, làm catalogue có cả tiếng Anh, tiếng Nhật.
- Tìm hiểu, tận dụng tốt các ưu đãi thuế, xuất xứ trong các FTA; tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ ngành, cơ quan, tổ chức liên quan (Bộ Công Thương, Cục XTTM, Vụ Thị trường nước ngoài, Thương vụ tại nước ngoài...); tích cực tham gia các chương trình hội thảo kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến; tham gia các đoàn xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn tại nước ngoài trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm, hàng gia dụng, vật liệu xây dựng, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ...
- Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi kinh doanh với đối tác Nhật Bản không nên chỉ dừng ở việc mua đứt – bán đoạn, mà còn nên tiếp tục theo dõi, kiểm soát xem sản phẩm của mình được thị trường đón nhận như thế nào, khách hàng phản hồi ra sao, nhằm tránh những rủi ro không đáng có (ví dụ như sản phẩm thực phẩm Việt gần hết hạn sử dụng nhưng vẫn được nhà nhập khẩu bán tại thị trường Nhật v.v, gây ra ấn tượng không tốt với người tiêu dùng...), từ đó đảm bảo được uy tín thương hiệu sản phẩm của mình.
II. THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC
Với việc Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu các nước có hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc bị cảnh báo về vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, thời gian gần đây Trung Quốc đang tiếp tục rà soát và dự báo sẽ đưa ra một số chính sách về quản lý nhập khẩu hàng hóa (đặc biệt là hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu) trong bối cảnh các dịch bệnh có diễn biến phức tạp trên thế giới, do đó các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, giám sát hệ thống vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng đúng tiêu chuẩn, quy định của phía Trung Quốc, chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch đáp ứng các yêu cầu về kiểm tra doanh nghiệp của phía Hải quan Trung Quốc khi cần thiết.
III. THỊ TRƯỜNG HÀN QUỐC
Quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa khi cả hai nước cùng tham gia và hưởng lợi nhiều lợi ích từ các FTA song phương và đa phương. Hơn nữa, cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nước có tính bổ sung rõ nét và ít có sự cạnh tranh trực tiếp.
Thị trường Hàn Quốc hiện có xu hướng thực phẩm giản tiện thay thế bữa ăn gia đình với các sản phẩm ăn liền, dễ nấu, dễ ăn đang tăng trưởng nhanh chóng tại Hàn Quốc, nhất là 5 năm trở lại đây. Cùng đó là sự lên ngôi của sản phẩm tốt cho sức khoẻ, tăng sức đề kháng như sản phẩm organic, thực phẩm dành cho người già.
Bên cạnh đó là xu hướng tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt, bảo vệ môi trường với bao bì đóng gói hạn chế sử dụng nguyên liệu từ nhựa, mô hình quản trị ESG. Và những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định, quy trình kiểm dịch.
Để sản phẩm xuất khẩu tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc thì sản phẩm ngoài cần chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Có các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài.
Do đó, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần dành thời gian nghiên cứu, phân tích thị trường Hàn Quốc để xác định rõ sản phẩm hướng tới phân khúc tiêu dùng nào, sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (hệ thống PLS) tại thị trường Hàn Quốc.
Ngoài ra, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam có gửi thông tin sản phẩm, nhu cầu hợp tác thương mại, đầu tư với phía Hàn Quốc một cách thường xuyên, liên tục cho Thương vụ cũng như tham dự các hội chợ, hội thảo, hội nghị online/offline do Thương vụ tổ chức để Thương vụ có cơ sở trao đổi với phía Hàn Quốc và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam một cách hiệu quả nhất.
IV. THỊ TRƯỜNG NGA
- Hiện nay tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine có những diễn biến rất khó lường, dự báo, trong thời gian tới Mỹ và đồng minh cũng sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt mạnh hơn đối với nền kinh tế Nga. Do đó, khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp có hợp tác với thị trường Nga cần theo dõi sát tình hình thị trường để có các biện pháp ứng phó phù hợp. Trước khi giao dịch, ký hợp đồng ngoại thương cần tiến hành tìm hiểu/kiểm tra kỹ về đối tác (có thể thông qua Thương vụ). Nội dung của hợp đồng cần đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam.
- Trong thời gian gần đây các chuỗi siêu thị, doanh nghiệp Nga rất quan tâm tới việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư với thị trường Việt Nam. Số lượng các công ty Nga sang Việt Nam tham dự các hội chợ, triển lãm và tìm kiếm cơ hội kinh doanh đầu tư ngày càng tăng. Do đó các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để tiếp xúc với các đối tác từ thị trường này.
- Đề nghị khuyến khích/hỗ trợ các địa phương/hiệp hội/doanh nghiệp tổ chức các đoàn XTTM (khoảng 10-15 doanh nghiệp) tham dự các triển lãm chuyên ngành cụ thể như may mặc, đồ gỗ, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, cà phê, chè, công nghiệp cơ khí chế tạo tại LB Nga trong năm 2023.
V. THỊ TRƯỜNG ITALIA
- Ngày 01/8/2020, EVFTA chính thức có hiệu lực. Hơn hai năm qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Italia luôn tăng trưởng ở mức hai con số. Ngoài những dòng thuế về mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn hơn 13% số dòng thuế sẽ được giảm theo lộ trình. Vì vậy, còn khá nhiều những lĩnh vực, dòng hàng hóa mà doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng, phát huy lợi thế của EVFTA.
- Tùy thuộc vào khả năng tài chính và các thủ tục pháp lý, các tập đoàn và các doanh nghiệp Việt nên mở riêng hoặc chung văn phòng đại diện tại Rome hoặc Milan hoặc nghiên cứu khả năng hợp tác liên doanh sản xuất hàng xuất khẩu với các đối tác tại địa bàn.
- Italia là nước G7 có thị trường rất lớn với gần 60 triệu dân và 60 triệu du khách quốc tế nên các tập đoàn lớn của Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến kinh doanh tại Italia.
- Việc các doanh nghiệp dựa vào cộng đồng người Việt tại nước sở tại để làm ăn kinh doanh như ở Đức, Ba Lan, Séc, Rumani... thường không có hiệu quả đối với thị trường Italia vì cộng đồng người Việt tại Italia khá khiêm tốn, sống rải rác và nhỏ lẻ.
Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tiếp cận thị trường, có thể nắm bắt thông tin từ nhiều cơ quan khác nhau như: Đại sứ quán Italia tại Hà Nội, Thương vụ Việt Nam tại Italia, các phòng thương mại Việt – Ý, các Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Italia...
- Các doanh nghiệp cần cảnh giác với nạn lừa đảo tăng lên trong thời gian gần đây
Doanh nghiệp phải hết sức thận trọng trong việc ký kết hợp đồng với các điều khoản thanh toán, phải sử dụng những phương thức thanh toán an toàn. Thường xuyên liên hệ với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để phối hợp xác minh tính chính xác các thông tin đối tác, tránh bị lừa đảo. Hiện nay Thương vụ đang giải quyết rất nhiều vụ việc gian lận của công ty Italia với công ty Việt Nam. Một số hình thức lừa đảo như: Công ty Italia đã đặt cọc cho công ty Việt Nam, nhận hàng từ công ty Việt Nam và sau đó không trả tiền hàng còn lại; công ty Việt Nam đã đặt cọc nhưng công ty Italia không giao hàng...Nhiều vụ việc đã xảy ra rồi, doanh nghiệp Việt Nam mới liên hệ với Thương vụ để đi xác minh công ty Italia. Nhiều địa chỉ của doanh nghiệp Italia chỉ là địa chỉ giả mạo, khi đến thực tế địa chỉ đó không có văn phòng công ty nào như phía Việt Nam đưa ra; một số người Italia phối hợp với một số nhóm lừa đảo quốc tế, làm giả các loại chứng từ, kể cả chứng từ thanh toán...để tìm cách chiếm đoạt bộ chứng từ gốc để nhận hàng tẩu tán...
VI. THỊ TRƯỜNG HOA KỲ
Hiện tại, Hoa Kỳ cũng là thị trường khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến tháng 12/2022, Hoa Kỳ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, tổng cộng hơn 52 vụ, chủ yếu là điều tra chống bán phá giá và chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp thông qua gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Các sản phẩm bị điều tra khá đa dạng, từ nông - lâm - thủy sản như: gỗ, cá tra - basa, tôm, mật ong, tới các sản phẩm công nghiệp như: se-mi rơ móc kéo, thép, máy cắt cỏ... thậm chí sản phẩm bìa kẹp hồ sơ. Điều này cho thấy Hoa Kỳ đang tăng cường quản lý các mặt hàng đã bị áp thuế phòng vệ thương mại để đảm bảo hiệu quả thực thi của các biện pháp đã áp dụng.
Do đó, doanh nghiệp khi xuất khẩu qua thị trường này cần chủ động nghiên cứu các vụ việc đã có kết luận để chuẩn bị sẵn hồ sơ chứng minh cho các lô hàng xuất khẩu để tránh bị áp thuế chống bán phá giá cao. Để xuất khẩu hàng hóa ổn định, bền vững sang Hoa Kỳ, cần theo dõi và tuân thủ các khuyến cáo, cảnh báo sớm của cơ quan chức năng Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) về phòng vệ thương mại.
Nguồn: Trung Tâm Khuyến Công và Xúc tiến Thương Mại