Bạn đang ở đây

Nhiều tỉnh phía Nam đề nghị kéo dài giãn cách xã hội

29/07/2021 13:37:54

Nhiều tỉnh phía Nam đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, bởi lo ngại diễn biến dịch bệnh còn phức tạp.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

 

Chiều 28/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam họp trực tuyến với 19 tỉnh, thành phía Nam sau 10 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cho biết đã tận dụng thời gian này, tập trung lực lượng truy vết, xét nghiệm nhằm sớm khống chế các ổ dịch, kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, qua tăng cường tầm soát, nhiều nơi ghi nhận ca nhiễm, ổ dịch mới xuất hiện. Các tỉnh miền Tây Nam Bộ chịu áp lực lớn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, khi hàng chục nghìn công nhân, học sinh, sinh viên trở về từ vùng dịch. Vì vậy, nhiều tỉnh đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, "dịch bệnh đến ngày hôm nay còn rất phức tạp". Công tác chống dịch tại một số tỉnh phía Nam sông Hậu và Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu được thực hiện nghiêm, "nhưng số lượng ca nhiễm chưa giảm rõ rệt". 

 

Với TP HCM, một phần tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Long An, dịch bệnh đã lây lan rất rộng và rất sâu. Để dập dịch hoàn toàn ở khu vực này, cần thời gian kéo dài hơn dự kiến, có thể tính bằng hàng tháng, bởi tình hình khác với nhiều địa phương cùng thực hiện Chỉ thị 16. Vừa qua, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và các bộ, ngành đã vào TP HCM để tìm hiểu và thống nhất các giải pháp điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Những giải pháp này cũng sẽ được áp dụng cho các vùng lân cận như một phần tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương.

 

Theo ông Đam, mục tiêu của cả nước và 19 tỉnh, thành phía Nam là làm sao dịch không lây lan, giảm F0. TP HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương đồng thời còn thực hiện mục tiêu cấp thiết nhất trước mắt là giảm tỷ lệ tử vong, giảm số bệnh nhận diễn biến nặng.

 

Cơ sở điều trị ở các cấp độ khác nhau, từ triệu chứng nhẹ, vừa, nặng, rất nặng, nguy kịch... cần được tăng cường trang thiết bị, nhân lực. Mỗi tầng cần làm thật tốt mục tiêu giảm tỷ lệ F0 bị nặng hơn. Phó thủ tướng nêu ví dụ, những trường hợp F0 không triệu chứng cần được chăm lo tốt cả về sức khỏe và tinh thần để giảm tối đa tỉ lệ trở thành có triệu chứng.

 

"Chúng ta chỉ nói đến cấp cơ sở, xã, phường là chưa đủ. Bây giờ phải nói từng khu phố, thậm chí từng cụm dân cư... phải thực hiện nghiêm và triệt để mục tiêu giãn cách theo Chỉ thị 16. Đấy là giải pháp căn cơ nhất. Chỉ có bằng cách giãn cách thật nghiêm, chúng ta mới làm chậm lại tốc độ lây lan của dịch bệnh, cắt đứt chuỗi lây", Phó thủ tướng nói và cho rằng "giặc Covid-19 đã ở ngay trước cửa", nếu không thực hiện nghiêm thì bản thân người dân và các thành viên trong gia đình sẽ bị ảnh hưởng.

 

Phó thủ tướng cũng lưu ý, phải đảm bảo chăm sóc và cứu chữa bệnh nhân khác, vừa phân tầng điều trị người mắc Covid-19. "Lúc này, chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi nhất, động viên kịp thời nhất cho đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng ở tuyến đầu", ông nói.

 

Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về chống Covid-19 tại TP HCM, đánh giá diễn biến dịch bệnh ở đây và các tỉnh, thành phố phía Nam còn phức tạp nhưng không phải không giải quyết được, với điều kiện nhân dân phải chấp hành nghiêm Chỉ thị 16, thực hiên tốt 5K. Thời gian qua, TP HCM đã đề ra rất nhiều giải pháp tốt nhưng quá trình thực hiện ở một số quận, huyện chưa triệt để, hiệu quả không cao. Các lực lượng phải kiểm soát nghiêm túc, chặt chẽ hơn việc di chuyển của người dân trong thời gian giãn cách.

 

"TP HCM không cần thêm văn bản nào cao hơn nữa mà trên cơ sở những giải pháp đưa ra để hành động, xử lý triệt để, thì hoạt động phòng, chống dịch sẽ hiệu quả hơn", Thượng tướng Võ Minh Lương nói.

 

Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Công an, cho biết đã chỉ đạo công an các tỉnh đồng loạt thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế người dân ra khỏi nhà; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải cấp mã QR, bộ nhận diện luồng xanh để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hoá; quản lý chặt chẽ phương tiện, lái xe tại các điểm giao, nhận hàng hoá.

 

19 tỉnh, thành phía Nam bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 19/7. Số ca nhiễm Covid-19 ở các địa phương này vẫn tăng cao những ngày gần đây. Đến hết ngày 28/7, số ca nhiễm Covid-19 tại TP HCM là 77.189 ca, Bình Dương 9.540, Đồng Nai 2.985, Đồng Tháp 2.641, Phú Yên 1.155, Khánh Hòa 1.140.

Nguồn: Báo Yên Bái