Bạn đang ở đây

Nhiều doanh nghiệp dệt may TP. Hồ Chí Minh đã chốt đơn hàng cho cả năm 2019

12/03/2019 09:20:12

Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, trong 2 tháng đầu năm xuất khẩu hàng dệt may của thành phố đạt khoảng 1,17 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu chủ yếu tập trung vào Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

nhieu doanh nghiep det may tp ho chi minh da co don hang cho ca nam 2019

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh - cho biết, nhiều doanh nghiệp trong ngành đều đã chốt xong đơn hàng cho 6 tháng đầu năm và thậm chí cả năm 2019. Từ đó cho thấy triển vọng của ngành dệt may trong năm nay khá khả quan.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Cần - Trợ lý Chủ tịch HĐTV Tổng công ty 28 cho hay, nhờ thị trường có nhu cầu tích cực, các công ty thành viên, công ty con của Tổng công ty hiện đã đàm phán xong các đơn hàng cho những quý đầu năm 2019.

Cùng với các tín hiệu tích cực từ đơn hàng, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cũng cho rằng, ngành dệt may Việt Nam đang hấp dẫn với khách hàng nhờ khả năng cạnh tranh cao về chất lượng, giá cả, dịch vụ so với một số cường quốc về dệt may trong khu vực. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng đang dần hoàn chỉnh do dòng vốn đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm và nguyên phụ liệu đang tăng lên. Đặc biệt, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực đang tạo ra sức hút rất lớn về đơn hàng cho ngành này.

Dù dồi dào đơn hàng nhưng các doanh nghiệp cũng nhìn nhận ngành dệt may đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh khá lớn với các nước trong khu vực về giá nhân công và các chi phí đầu vào khác. Để nâng cao lợi thế cạnh tranh, việc áp dụng công nghệ, đầu tư thiết bị để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí sản xuất là giải pháp được Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo các doanh nghiệp thực hiện trong suốt thời gian qua.

Ông Phan Văn Việt - Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, công ty đã mạnh dạn áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất từ vài năm trước để tạo ra những sản phẩm độc quyền nên dù thị trường đang phải cạnh tranh gay gắt thì công ty giữ được các khách hàng truyền thống.

Ông Phạm Xuân Hồng nhận xét, doanh nghiệp dệt may có ưu điểm về năng lực quản lý, tay nghề công nhân, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, nhưng điểm yếu là chi phí lao động kém cạnh tranh. Để khắc phục điểm yếu này các doanh nghiệp phải liên kết để chia sẻ đơn hàng, đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó cần cố gắng học hỏi cải tiến quản lý sản xuất nâng cao năng suất, giảm chi phí. Đặc biệt các doanh nghiệp cần tập trung khai thác các FTA trong đó có vấn đề về xuất xứ, tự chứng nhận xuất xứ để tận dụng tối đa lợi ích của các FTA vào hoạt động xuất khẩu...

Nguồn: báo Công thương