Mô hình du lịch trải nghiệm tại Suối Giàng bước đầu đã có những thành công. |
Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, nguyên sơ và giàu bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn, Yên Bái đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Điểm thu hút khách đến với Yên Bái là du lịch cộng đồng do người dân bản địa làm chủ. Cùng với người Thái, người Tày, người Dao, cộng đồng người Mông Yên Bái biết làm du lịch dựa vào lợi thế cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hoá đặc sắc của dân tộc mình.
Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn được biết đến với khí hậu quanh năm mát mẻ, rừng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi và sự hồn hậu, hiếu khách của người Mông nơi đây. Suối Giàng đã thực sự trở thành điểm du lịch lý thú, hấp dẫn du khách bốn phương. Đóng góp vào thành công đó là những mô hình du lịch cộng đồng do chính đồng bào Mông bản địa làm chủ.
Năm 2015, huyện Văn Chấn bắt đầu khuyến khích các hộ gia đình, các địa phương trong huyện đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là Suối Giàng.
Là người Mông sinh ra và lớn lên tại mảnh đất chè cổ, mong muốn làm giàu, anh Vàng A Khua, thôn Bản Mới là người đầu tiên ở Suối Giàng mạnh dạn làm du lịch. Manh nha, anh Khua trồng vườn hoa tam giác mạch làm điểm thu hút du khách vào những ngày nghỉ lễ hay cuối tuần.
Sau này với lượng khách ổn định, anh Khua tiếp tục phát triển mở rộng quy mô mô hình du lịch cộng đồng của gia đình gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Mông và giá trị của những cây chè Shan tuyết Suối Giàng.
Anh Khua đã tham khảo qua các phương tiện thông tin đại chúng và quyết định thử nghiệm cách làm du lịch trải nghiệm thực tế. Du khách khi đến với gia đình anh sẽ được trực tiếp tham gia hái chè, chế biến và thưởng thức hương vị đậm đà của chè tuyết Suối Giàng, được cùng ăn bữa cơm với các món ẩm thực độc đáo của người Mông... Với hướng đi ấy, mô hình du lịch cộng đồng của anh Vàng A Khua đã có được những thành công ngoài mong đợi.
Cùng tư tưởng như anh Khua, điểm du lịch Cốc Tình được anh Giàng A Súa ở thôn Giàng B, xã Suối Giàng đầu tư tôn tạo dựa trên những điều kiện tự nhiên sẵn có của thiên nhiên. Bằng chính đôi bàn tay của mình, anh Súa đã tạo lối đi bên cạnh hệ thống vách đá, kết hợp với những gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi và hệ thống hang động nằm sâu dưới lòng đất hơn 30m, quy hoạch và chia thành từng khu vực để đón tiếp du khách tham quan. Những dịp nghỉ lễ và cuối tuần, khu du lịch của Giàng A Súa đã đón hàng trăm lượt khách. Và ở Suối Giàng giờ đã có khá nhiều hộ người Mông làm du lịch cộng đồng như anh Khua, anh Súa. Tuy mới chỉ là những bước đi đầu tiên nhưng đã khẳng định hướng đi đúng của các hộ làm du lịch ở Suối Giàng.
Cách Suối Giàng 150km về phía Tây của tỉnh, Mù Cang Chải - địa danh du lịch có tiếng với kiệt tác ruộng bậc thang đã được xếp hạng Danh thắng quốc gia, với đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc hàng năm đón hàng nghìn lượt du khách. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông ở địa phương đã tích cực tham gia phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Gia đình anh Hảng A Dò, ở thôn La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn là một điển hình người Mông ở địa phương làm du lịch cộng đồng.
Hảng A Dò sinh năm 1991, vốn thông minh, nhanh nhẹn, ham học hỏi và khát khao làm giàu tại mảnh đất quê hương, anh đã tham gia nhiều lớp tập huấn về du lịch cộng đồng do huyện tổ chức và quyết định vay mượn đầu tư mua đất xây dựng ngôi nhà sàn trị giá hơn 800 triệu đồng để phục vụ khách du lịch. Hiện, ngôi nhà sàn của gia đình anh Dò có thể phục vụ từ 50 - 60 khách đến ngủ, nghỉ, trải nghiệm thăm bản và chiêm ngưỡng ruộng bậc thang.
Sau 4 năm đi vào hoạt động, anh Dò đã liên kết với một số công ty du lịch, tự lập facebook, fanpage, liên kết với các trang quảng bá và đặt dịch vụ trực tuyến. Mô hình du lịch cộng đồng của anh Dò đã thành công và ngày càng khẳng định được chỗ đứng. Giờ thì không chỉ anh Dò mà nhiều hộ dân người Mông ở La Pán Tẩn, Nậm Khắt, Cao Phạ đã và đang phát triển kinh tế gia đình mô hình du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả.
Tuy mới manh nha nhưng sự mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng của các hộ người Mông đã cho kết quả đáng ghi nhận, tạo dấu ấn riêng biệt thu hút du khách, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần đưa du lịch Yên Bái phát triển.
Nguồn: Báo Yên Bái