Theo Bộ Công Thương, dù ngành nhựa giai đoạn 2010 – 2020 là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam, tuy nhiên vẫn chỉ được biết đến như là một ngành kinh tế kỹ thuật về gia công chất dẻo. Đặc biệt, ngành nhựa vẫn chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào.
Bộ Công Thương đánh giá, ngành công nghiệp nhựa dù còn non trẻ so với các ngành công nghiệp lâu đời khác như: Cơ khí, điện - điện tử, hóa chất, dệt may… nhưng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Trong giai đoạn 2010 - 2020, nhựa là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam với mức tăng hàng năm từ 16 - 18% (chỉ sau ngành viễn thông và dệt may), có những mặt hàng tốc độ tăng trưởng đạt gần 100%/năm.
Mặc dù vậy nhưng ngành nhựa vẫn còn nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển. Cụ thể, 75 - 80% nguyên liệu và phụ liệu đầu vào phải nhập khẩu do nguồn cung trong nước hiện nay chỉ có thể đáp ứng khoảng 1 triệu tấn. Đặc biệt, thiếu nguồn cung nguyên liệu nhựa tái sinh và công nghiệp hỗ trợ ngành nhựa chưa phát triển. Doanh nghiệp (DN) không tự chủ được nguyên liệu đầu vào; chi phí cho nguyên liệu chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu chi phí của ngành. Tình trạng này dẫn đến việc các DN nhựa phải duy trì tồn kho nguyên liệu lớn để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn.
Thiếu nguồn cung nguyên liệu là một trong những rào cản kìm hãm sự phát triển của ngành nhựa |
Một hạn chế khác được Bộ Công Thương đề cập tới là các DN quy mô nhỏ và vừa (chiếm hơn 90% trong tổng số 2.000 DN nhựa) thường ít chú trọng đến việc đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại nên các sản phẩm nhựa Việt Nam hầu hết nằm ở phân khúc tầm thấp. Chỉ có một số rất ít DN có quy mô sản xuất lớn chịu đầu tư chuyên sâu và có những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, khiến sức cạnh tranh của sản phẩm nhựa Việt Nam trên thị trường không lớn, đặc biệt là những sản phẩm nhựa gia dụng.
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), nhựa là ngành công nghiệp mũi nhọn được đánh giá còn nhiều tiềm năng và nhiều cơ hội cho DN trong nước. Do đó, để cạnh tranh tốt hơn, các DN sản xuất trong nước phải tính đến chuyện đầu tư nghiêm túc về công nghệ, đặc biệt là những công nghệ sản xuất tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường…
VPA đề xuất các cơ quan chức năng nên tạo cơ hội, tăng năng lực đầu tư vào các công ty, dự án sản xuất nguyên phụ liệu ngành nhựa. Hơn nữa, các DN nhựa cũng nên chú trọng tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, để tránh những rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Bộ Công Thương cũng nêu giải pháp, các DN nhựa trong nước cần phải từng bước mở rộng nhà máy, chuẩn bị nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh các sản phẩm có giá trị gia tăng cao… Đây được coi là một trong những giải pháp mà DN ngành nhựa khẳng định lợi thế của mình.
Liên quan đến vấn đề rác thải nhựa, ông Hoàng Đức Vượng - Chi hội Nhựa tái sinh, thuộc Hiệp hội Nhựa Việt Nam - cho biết, chi hội vẫn đang tiếp tục vận động Chính phủ và kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ trong việc chống rác thải nhựa theo hướng chung tay với các DN đẩy mạnh thực hiện thu gom và tái chế sản phẩm nhựa ở trong nước, thay vì nhập khẩu phế thải nhựa về tái chế. Đồng thời, vận động xây dựng cơ chế, chính sách cho việc xây dựng và phát triển thị trường đối với hạt nhựa tái sinh.
Nguồn: Báo Công thương