Bạn đang ở đây

Ngành Công Thương Hà Nội chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

10/10/2019 15:47:19

Theo tính toán với mức đóng góp chính phát thải khí nhà kính của lĩnh vực công nghiệp và năng lượng và theo dự kiến đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 8% của quốc gia thực hiện NDC lĩnh vực năng lượng sẽ thực hiện 11 giải pháp chi phí thấp (8 giải pháp về sử dụng năng lượng hiệu quả và 3 giải pháp về sử dụng năng lượng tái tạo) để đạt được mức đóng góp giảm 4,4%/8% và sẵn sàng thực hiện 6 giải pháp chi phí cao (1 giải pháp về sử dụng năng lượng hiệu quả và 5 giải pháp về sử dụng năng lượng tái tạo) để đóng góp giảm thêm đạt 9,8%/25%. Như vậy có thể thấy trong 17 giải pháp giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam đã có đến 8 giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả là ưu tiên hàng đầu để thực hiện, các giải pháp về phát triển năng lượng tái tạo với chi phí cao vẫn cần sự hỗ trợ lớn từ cộng đồng quốc tế.

Để triển khai các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các hoạt động công nghiệp và năng lượng tại Hà Nội, Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) TP. Hà Nội được thành lập cùng với Ban Chủ nhiệm Chương trình sử dụng năng lượng và tiết kiệm hiệu quả thành phố Hà Nội mà thành viên là lãnh đạo chủ chốt của UBND thành phố, Sở Công Thương và Trung tâm Khuyến công tư vấn và phát triển công nghiệp theo đó Sở Công Thương và Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực của 2 BCĐ trên.

nganh cong thuong ha noi ban hanh nhieu chinh sach chu dong ung pho voi bien doi khi hau

Sản xuất công nghiệp Hà Nội đang từng bước hướng đến tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính

Đồng thời ngành Công Thương Hà Nội đã có những nghiên cứu cụ thể theo công cụ Calculator 2050 để từ đó tính toán lượng phát thải và khả năng giảm phát thải cho các ngành sản xuất công nghiệp và thương mại theo các cấp độ giả định khác nhau.

Theo đó, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính cho các ngành sản xuất công nghiệp như: Bia- Nước giải khát, cơ khí, hóa chất, dệt may, chế biến thực phẩm … như: Quy hoạch số 3690/QĐ-BCT ngày 12/9/2016 và Quyết định số 2261/QĐ-UBND thành phố Hà Nội ngày 25/5/2017, Chiến lược Tăng trưởng Xanh, Kế hoạch số 118 /KH-UBND ngày 10/6/2014 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Quyết định số 5768 /QĐ-UBNN ngày 29/10/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Quyết định số 5815/QĐ-UBND ngày 30/10/2015; Quy hoạch số 1621/QĐ-TTg ngày 18/9/2013; Quy hoạch số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014, Quy hoạch số 4524/QĐ-UBND ngà y29/9/2011, Kế hoạch Hành động Sản xuất sạch hơn trong Công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020. Kế hoạch Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Công Thương trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2014 – 2020…

Theo các cơ chế chính sách đều khuyến khích và yêu cầu các doanh nghiệp tập trung đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm giảm tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, liên kết hoặc sáp nhập vào các doanh nghiệp lớn. Đồng thời có các nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành sản xuất để từ đó có kế hoạch ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ phát thải “các-bon thấp”, thân thiện với môi trường phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp và kinh tế- xã hội của thành phố Hà Nội.

Đối với Kế hoạch Hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2016 – 2020, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp về thúc đẩy áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (Hỗ trợ kỹ thuật đánh giá nhanh hoạt động sản xuất sạch hơn cho, một số cơ sở sản xuất thuộc diện ưu tiên trên địa bàn Thành phố; Xây dựng, phổ biến sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các ngành sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố; Hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí xây dựng thí điểm mô hình, mô hình trình diễn kỹ thuật, mô hình nhân rộng áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn Thành phố theo kế hoạch được duyệt hàng năm.

Đối với chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020: Phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp; Thúc đẩy bảo tồn năng lượng trong các hoạt động công nghiệp và xanh hóa nguồn sản xuất, phân phối điện năng…

Như vậy có thể khẳng định, Hà Nội đã và đang từng bước góp phần quan trọng vào công cuộc giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại của Ngành cũng như của Việt Nam. Trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ thực thi các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính sẽ được Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục quan tâm, chú trọng xây dựng và áp dụng nhằm cùng với ngành Công Thương thực hiện các cam kết của quốc gia theo Thỏa thuận Paris về biến đối khí hậu.

Nguồn: Báo Công thương