Bạn đang ở đây

Năm 2022, Việt Nam xuất siêu 11,2 tỷ USD

30/12/2022 07:49:33

 Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%; ước tính xuất siêu đạt 11,2 tỷ USD.

Toyota Veloz Cross xuất xưởng tại Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu trong nội khối ASEAN. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN


Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/12 cho thấy, trong tháng 12/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,82 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng trước và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho hay, năm 2022, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao, cùng với tác động của giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới đã đẩy giá sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nước tăng. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý IV và năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng cục Thống kê chỉ rõ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 29,66 tỷ USD, tăng 2,2% so với tháng trước, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Quý IV/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 89,5 tỷ USD, giảm 7,1% so với quý III/2022 và giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,09 tỷ USD, tăng 6,5%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 276,76 tỷ USD, tăng 12,1%, chiếm 74,4%.

Tàu vào bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN


Trong năm 2022, có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 08 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%).
Về nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch nhập khẩu tháng 12/2022 ước đạt 29,16 tỷ USD, tăng 3,1% so với tháng trước, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý IV/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 85,07 tỷ USD, giảm 5,8% so với quý III/2022 và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 125,79 tỷ USD, tăng 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 234,86 tỷ USD, tăng 7,5%.
Trong năm 2022 có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,1%).
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 145,2% so với năm 2021 (quý IV/2022 ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 204,2%); trong đó, dịch vụ du lịch đạt 3,8 tỷ USD (chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ), tăng gần 25 lần so với năm trước; dịch vụ vận tải đạt 5,6 tỷ USD (chiếm 43,4%), tăng 165,4%.
Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ năm 2022 ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 23,6% so với năm trước (quý IV/2022 ước đạt 6,1 tỷ USD, tăng 10,7%), trong đó: dịch vụ vận tải đạt 12,4 tỷ USD (chiếm 48,7% tổng kim ngạch nhập khẩu dịch vụ), tăng 18,3%; dịch vụ du lịch đạt 6,5 tỷ USD (chiếm 25,6%), tăng 70,8%. Nhập siêu dịch vụ năm 2022 là 12,6 tỷ USD; trong đó, đã tính trong phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu là 9 tỷ USD.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Kinh doanh xuất khẩu (Tập đoàn Lộc Trời) cho rằng, doanh nghiệp cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề chất lượng. Cụ thể, cần kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu vào thị trường này.
Theo đại diện Bộ Công Thương, ông Ngô Chung Khanh, thời gian tới để doanh nghiệp tận dụng hiệu quả thị trường EU thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành tập trung xử lý vấn đề kết nối cho doanh nghiệp thông qua cập nhật và nâng cấp cổng thông tin FTA (FTAP), để kết nối với toàn bộ trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, hiệp hội. Ngoài ra, Bộ triển khai đánh giá việc thực thi FTA tại các tỉnh, thành phố thông qua chỉ số FTA INDEX, bộ chỉ số này dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm 2023.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ có các chương trình tập huấn dành cho các doanh nghiệp; thúc đẩy các giải pháp cụ thể như triển khai tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tận dụng FTA, thúc đẩy kết nối, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA./.

Nguồn: BNEWS/TTXVN