Ngay cả khi đặt mua hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn, uy tín, người tiêu dùng vẫn gặp phải tình trạng bị đánh tráo sản phẩm nếu chủ quan, không tỉnh táo.
Báo cáo thường niên năm 2019 của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) công bố mới đây cho thấy, trong năm qua, đơn vị này đã tiếp nhận và giải quyết 568 đơn khiếu nại của người tiêu dùng; phần lớn các vụ việc liên quan đến giao dịch mua sắm trực tuyến.
Người tiêu dùng cần xem xét kỹ thông tin sản phẩm, giá cả, nhà cung cấp trước khi quyết định mua hàng |
Một trong những vụ việc điển hình là người tiêu dùng mua hàng trên trang TMĐT Lazada nhưng hàng nhận được không đúng như nội dung quảng cáo. Khi liên hệ với Lazada để khiếu nại, đơn vị giải thích giao dịch này nằm ngoài hệ thống của sàn nên không được hưởng chính sách trả hàng, hoàn tiền. Trước đó, bên bán hàng đã liên hệ thông báo đúng tên, địa chỉ, số điện thoại, sản phẩm để thông báo giao hàng. Vụ việc này có dấu hiệu lừa đảo từ nhà bán hàng trên sàn TMĐT. Cụ thể, sau khi tiếp nhận đơn hàng, nhà bán hàng sẽ tự ý hủy đơn hàng, sau đó tự liên hệ với người tiêu dùng để giao một sản phẩm khác. Theo thông tin từ Lazada, trong những trường hợp như trên, mã đơn hàng giao đến người tiêu dùng không giống với mã đơn hàng trên Lazada.vn, đơn vị vận chuyển cũng không phải đơn vị liên kết của Lazada. Sàn TMĐT không kiểm soát được việc nhà bán hàng hủy đơn và tự liên hệ với người tiêu dùng để giao sản phẩm khác.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã làm việc với Lazada để làm rõ và giải quyết các trường hợp khiếu nại. Theo đó, Lazada đã tiến hành xử lý nhà bán hàng vi phạm và bồi thường cho một số trường hợp khiếu nại đạt điều kiện được trả hàng, hoàn tiền.
Như vậy, mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp phối hợp với các sàn TMĐT thường xuyên rà soát, ngăn chặn, giải quyết các vi phạm trong giao dịch trực tuyến, các đối tượng vẫn có chiêu trò để “lách luật”, lừa đảo khách hàng thông qua sự chủ quan, thiếu hiểu biết của người tiêu dùng.
Nhìn chung từ các vụ lừa đảo cho thấy, đa số đối tượng bán hàng lừa đảo là những cá nhân. Để tham gia bán hàng trên các sàn TMĐT quy trình không quá phức tạp. Hiện nay TMĐT đang phát triển ngày càng rầm rộ, đặc biệt trong thời gian qua dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người tiêu dùng ưu tiên phương thức mua hàng trực tuyến, các gian hàng kinh doanh thương mại điện tử được dịp “ăn nên làm ra”. Từ đó, tỷ lệ lừa đảo trực tuyến cũng tăng mạnh.
Bộ Công Thương đã ban hành chương trình hành động, Tổ công tác quản lý thị trường trong TMĐT đã sớm được thành lập nhằm tăng cường đấu tranh chống gian lận thương mại. Tính đến tháng 4/2020, cơ quan chức năng đã xử lý khoảng 17.000 gian hàng và trên 38.000 sản phẩm vi phạm.
Trước tình hình đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến nghị người mua hàng trực tuyến chỉ nhận hàng khi trạng thái đơn hàng trên trang web là “đang giao hàng”, không nhận hàng khi trạng thái đơn hàng “đã hủy”, “đang lấy hàng”, đây là khe hở để các nhà bán hàng lừa đảo lợi dụng đánh tráo hàng hóa khi giao hàng.
Khi nhận hàng, người tiêu dùng cần chú ý xác nhận mã đơn hàng trên gói hàng phải khớp với mã đơn hàng trên trang web hoặc email xác nhận đặt hàng do bên bán hàng gửi; kiểm tra đơn vị vận chuyển có đúng là đơn vị được sàn TMĐT liên kết không; hình ảnh vận đơn trên kiện hàng có đúng mẫu do TMĐT phát hành hay không…
Trước khi quyết định mua hàng, người tiêu dùng cần xem xét kỹ nhà bán hàng, lưu ý đến phản hồi của những khách hàng đã mua trước, tham khảo thông tin sản phẩm, giá cả hàng hóa hợp lý, không quá thấp so với mặt bằng chung trên thị trường… Nguồn: Báo Công thương |