Thái Lan là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khu vực ASEAN, hiện chiếm 30% kim ngạch thương mại Việt Nam - ASEAN và 4% kim ngạch thương mại Việt Nam với thế giới. Về xuất khẩu (XK), năm 2017 Việt Nam XK 4,8 tỷ USD sang Thái Lan, dự kiến năm 2018 sẽ đạt 5,7 tỷ USD, chiếm 2,2% thị phần nhập khẩu của Thái Lan.
Xoài là một trong các loại nông sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào Thái Lan |
Theo ông Nguyễn Đương Kiên- Phó Phòng Đông Nam Á, Nam Á và Hợp tác khu vực - Vụ châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), vị trí địa lý gần gũi, đặc biệt tuyến hàng lang kinh tế Đông – Tây đi vào vận hành 10 năm đã thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, trao đổi hàng hóa, dịch vụ du lịch, phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam với Thái Lan, đồng thời giúp cho các sản phẩm đặc trưng của mỗi quốc gia có cơ hội tiếp cận được thị trường ngoài nước. Tuyến vận tải hàng hoá qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) qua Lào vào tỉnh Savannakhet (Lào) và các tỉnh miền Trung Thái Lan cũng giúp hàng hoá của Việt Nam vào Thái Lan thuận lợi, tốn ít chi phí. Cùng đó, nét tương đồng về văn hoá tiêu dùng và sản phẩm cũng là một nguyên nhân khiến Việt Nam đẩy mạnh XK được sang thị trường Thái Lan.
Cộng đồng người Việt tại Thái Lan khá đông đảo, sở hữu nhiều siêu thị, cửa hàng phân phối và cung cấp hàng hoá cho chuỗi siêu thị lớn. Với tâm lý ưu tiên dùng hàng Việt, đội ngũ Việt kiều tại Thái Lan cũng đóng góp không nhỏ trong việc đưa hàng Việt vào thị trường này.
Đáng lưu ý, những năm gần đây, sự có mặt của nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan tại Việt Nam như Central Group, TCC cũng cho thấy các nhà đầu tư của Thái Lan rất coi trọng và coi Việt Nam là thị trường nối dài của Thái Lan. Đây cũng là cơ hội cho hàng hoá Việt Nam XK qua Thái Lan thông qua các hệ thống phân phối của Thái Lan tại Việt Nam.
Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng ông Nguyễn Đương Kiên cũng cho rằng, hiện kim ngạch XK của Việt Nam sang Thái Lan chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế nhưng thị phần tại Thái Lan rất thấp, như: Săm lốp chỉ 5%; thuỷ sản 7%; sắt thép 1,4%. Riêng mặt hàng rau quả tươi mới chiếm 10% thị phần, hiện chỉ có xoài, nhãn, vải, thanh long của Việt Nam được cấp giấy chứng nhận XK sang Thái Lan.
Tại Hội thảo “Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Á” tổ chức ngày 7/12, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, hàng hoá Thái Lan có chất lượng tốt, giá cạnh tranh nên hàng Việt Nam không cạnh tranh được.
Do đó, để hàng hoá Việt Nam hiện diện nhiều hơn trên thị trường Thái Lan, đồng thời gia tăng kim ngạch XK tại thị trường này, ông Nguyễn Đương Kiên cho rằng: Bản thân các DN phải chủ động tìm hiểu nhu cầu mặt hàng, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan đến mặt hàng sản xuất kinh doanh của DN để có chiến lược phù hợp. Đồng thời, đề xuất với Bộ Công Thương để đàm phán với Chính phủ Thái Lan về việc rà soát giảm hoặc dỡ bỏ một số biện pháp phòng vệ thương mại, thuế quan, làm cơ sở để Bộ Công Thương đề xuất với các cơ quan liên quan của Thái Lan.
Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ DN tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, giao thương với DN Thái Lan. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Chính phủ Thái Lan cho phép thêm nhiều loại rau quả tươi của Việt Nam XK vào Thái Lan.
Chính phủ Việt Nam – Thái Lan đang nỗ lực thực hiện các biện pháp hoàn thành mục tiêu 20 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều, đồng thời dần cân bằng cán cân thương mại. |
Nguồn: Báo Công thương