Đại diện ngành Công thương TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ đã khẳng định như vậy tại “Hội nghị sơ kết công tác phối hợp thực hiện chương trình bình ổn thị trường giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành miền Tây Nam bộ năm 2019”, tổ chức ngày 30/12.
Nhiều siêu thị cam kết bán hàng bình ổn đúng giá, đúng chất lượng trong dịp Tết Canh Tý |
Hàng bình ổn đủ sức điều tiết giá hàng hóa
Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh - cho biết, năm 2019, chương trình bình ổn thị trường của TP. Hồ Chí Minh có 87 doanh nghiệp (DN) tham gia và tiếp tục thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Hiện tại, các DN hàng bình ổn của thành phố đã đầu tư 12.066 tỷ đồng để xây dựng 18 nhà máy, cơ sở sản xuất; 33 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh thành phố Tây Nam bộ, trong đó liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trồng rau sạch khoảng 2.000 tỷ đồng/ năm. Đến nay, hệ thống phân phối tại 13 tỉnh thành ở miền Tây Nam bộ và TP.Hồ Chí Minh đã có khoảng 308 siêu thị, 71 trung tâm thương mại, gần 2.000 chợ truyền thống, hơn 3.500 cửa hàng tiện lợi. Đây là kênh tiêu thụ lớn hàng hóa và đóng vai trò điều tiết giá cả thị trường cho cả khu vực trong thời gian qua.
Lãnh đạo ngành Công thương các tỉnh thành miền Tây Nam Bộ đã đánh giá cao tính hiệu qủa của sự hợp tác thực hiện chương trình hàng bình ổn của các tỉnh thành và TP.Hồ Chí Minh trong thời gian qua. Để chương trình bình ổn thị trường trở thành kênh mua sắm tin cậy, đủ sức dẫn dắc giá cả thị trường. Lãnh đạo ngành Công thương đề xuất các địa phương cần xác định tiềm năng, thế mạnh của mình để hợp tác liên kết nhằm xây dựng nhà máy, mở rộng trang trại, xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển hệ thống phân phối, bảo đảm cung cầu hàng hóa trên thị trường hiệu quả.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục cần đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, kinh nghiệm thực tiễn, cải cách, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước lĩnh vực thương mại thông qua các chương trình khảo sát thực tế tình hình thị trường của mỗi địa phương. Trên tinh thần liên kết, các DN đặt hàng, hướng dẫn cơ sở sản xuất, người nông dân về quy trình, kỹ thuật nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap; xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản.
Nhiều DN chăn nuôi lớn cam kết tăng nguồn cung và không tăng giá từ nay đến Tết Canh Tý 2020 |
Tết Canh Tý sẽ không sốt giá thịt heo
Các DN của thành phố đã chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Canh Tý 2020 hơn 19.027 tỷ đồng, trong đó nguồn hàng bình ổn thị trường 7.244 tỷ đồng, tăng trên 602 tỷ đồng so với dịp Tết Kỷ Hợi 2019. Đối với tháng cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán (từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp 2019), tổng trị giá hàng hóa của DN chuẩn bị trên 10.224 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường hơn 4.088 tỷ đồng. Thành phố đã triển khai các giải pháp bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Riêng nguồn cung thịt heo bình ổn dự kiến đáp ứng 4.091 tấn/tháng và tăng thêm 1.057 tấn, tương đương 5.148 tấn/tháng dịp Tết Nguyên đán 2020.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, mặc dù thịt heo trong thời điểm này nguồn cung còn thấp, giá cao nhưng vào dịp Tết sắp đến nguồn cung và giá bán thịt heo sẽ ổn định, do lượng thịt heo nhập khẩu sẽ tăng và các DN chăn nuôi lớn cam kết sẽ tăng nguồn cung nhưng không tăng giá bán.
Để góp phần bình ổn thị trường và chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, nhiều DN chăn nuôi lớn đã cam kết không tăng thêm giá bán, thậm chí giảm giá. Đơn cử như Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã thông báo giảm giá bán thịt heo 1.000 đồng/kg, riêng giá heo hơi là 83.000 đồng/kg, giảm 5.000- 10.000 đồng/kg so với giá thị trường. Tương tự, từ ngày 28/12 đến Tết Nguyên đán Canh Tý, Tập đoàn Central Retail cam kết bán thịt heo tươi theo giá vốn, không lợi nhuận tại tất cả các siêu thị Big C và các điểm bán hàng tiện lợi GO.
Ông Phan Lợi - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang - cho biết, để tránh tình trạng thịt heo tăng giá vào dịp Tết sắp đến, các DN đã đăng ký cung ứng 414 tấn thịt gia sức, gia cầm( heo 234 tấn, gà 159 tấn, bò 21 tấn); riêng Công ty CP Chăn nuôi Kiên Giang đăng ký cung ứng cho thị trường An Giang 3.000 con heo/3 ngày giáp Tết. Ông Lợi thông tin, từ tháng 10/2019 đến nay, các cơ quan chức năng đã bắt giữ 400 con heo nhập lậu từ Campuchia và đã được tiêu hủy. Để bình ổn mặt hàng thịt heo trong dịp Tết tới, ông Lợi nói rằng, ngoài tăng cường kiểm soát heo nhập lậu, ngành công thương sẽ kêu gọi các DN chăn nuôi ổn định giá bán, tăng cường công tác vận động người dân dùng các loại thực phẩm khác để thay thế thịt heo trong trường hợp thị trường thịt heo tiếp tục biến động về giá bán.
Nguồn: báo Công thương