Không thể phủ nhận, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã nhanh chóng huy động toàn lực lượng, thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 ngay từ ngày đầu, ở ngay tuyến đầu, bất chấp rủi ro bệnh tật, nguy hiểm tới sức khoẻ, thậm chí cả tính mạng...
Những ngày đầu tháng 4/2020, phải sau 3 ngày khám, kho hàng tại Khu dân cư Giang Hạ, phường Tân Dân, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương nằm trên đất trang trại của ông Trần Lợi mới lộ nguyên hình là một “ổ” chứa nội tạng cực lớn.
Tại đây, lực lượng QLTT cùng các lực lượng chức năng khác của địa phương phát hiện trong kho lạnh chứa trên 72 tấn kg sản phẩm nội tạng động vật, bao gồm lòng non lợn đã qua sơ chế, chưa qua sơ chế, mũi lợn khô đã bốc mùi và một số phụ gia thực phẩm, hóa chất, chất tẩy và một số hàng hóa khác.
Chủ số hàng này- ông Nguyễn Duy Huy (địa chỉ tại huyện Bình Giang, Hải Dương) khai nhận thu mua toàn bộ số hàng hóa trên trôi nổi ngoài thị trường bằng nhiều nguồn và thu gom trong nhiều ngày, không có giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc về bán kiếm lời. Tổng giá trị hàng hóa hơn 1,1 tỷ đồng.
Câu chuyện về việc “khui” ra kho chứa nội tạng động vật thuộc loại lớn nhất từ trước tới nay cũng như việc phát hiện, kiểm tra xử lý các vụ buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ đầu năm tới nay đã cho thấy lực lượng QLTT hoàn toàn không sao nhãng những nhiệm vụ thường xuyên của mình kể cả trong khi đã và đang dồn toàn lực cùng cả nước chống dịch bệnh Covid-19.
Phỏng vấn nhanh ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) qua điện thoại, ông chia sẻ, không ngoa khi nói QLTT là lực lượng đồng hành đi dập dịch. Ẩn giấu phía sau lời tâm sự đó là nỗi vất vả của sự vào cuộc quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương tin tưởng và chỉ đạo.
Còn nhớ gần như suốt cả năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành trên phạm vi gần như cả nước thì cũng là khi các cán bộ, đội viên của lực lượng QLTT “ăn gió, nằm sương” cùng các lực lượng chức năng khác tại các chốt kiểm dịch để bảo đảm từ sự lành mạnh cho một loại thực phẩm đặc trưng trong bữa ăn hàng ngày của người Việt ngoài chợ đến an toàn về nhà cho các bữa ăn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và lãnh đạo Tổng cục QLTT kiểm tra mặt hàng khẩu trang phục vụ chống dịch Covid-19 tại một siêu thị MM Mega Market |
Mà đâu chỉ có vậy. Gần như 100% công chức QLTT làm việc liên tục các ngày trong tuần. Ngoài việc trực 24h/24h tại các chốt kiểm dịch, lực lượng QLTT còn phải phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn, thịt lợn, các sản phẩm từ lợn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Cùng đó còn phối hợp với cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức đối với các hộ kinh doanh và người tiêu dùng về dịch tả lợn châu Phi. Những công việc ấy được tiến hành song song cùng lúc trong bối cảnh lực lượng QLTT vừa đi vào hoạt động theo mô hình mới, gần như chạy đua với thời gian để hoàn thiện bộ máy, tổ chức.
Những vất vả đó chưa kịp lắng xuống thì ngay từ những ngày đầu năm 2020, một đợt dịch mới- dịch Covid-19 - lại bùng phát và lực lượng QLTT lại tiên phong xung trận. So với dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19 vượt xa về quy mô, tính chất mức độ rủi ro, không đơn thuần chỉ trên thị trường, các khu chợ, các shop bán hàng mà phía sau đó là sự đòi hỏi căng mình cao độ cả sức lực lẫn tâm trí với lực lượng QLTT.
Và trong bối cảnh đó, trước đòi hỏi của tình hình, lực lượng QLTT cả nước lại nhanh chóng huy động toàn lực lượng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 ngay từ ngày đầu, ở ngay tuyến đầu, bất chấp những rủi ro bệnh tật, nguy hiểm tới sức khoẻ, thậm chí cả tính mạng.
Những ngày cuối tháng 1/2020, khi Việt Nam mới phát hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, tại “chợ” thuốc Hapulico của Hà Nội và nhiều cửa hàng kinh doanh thuốc, thiết bị y tế khác trên cả nước lúc nào cũng trong tình trạng quá tải người dân tới hỏi mua mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn. Lãnh đạo Tổng cục QLTT đã nhanh chóng nắm tình hình, chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
Với sự vào cuộc kịp thời của lực lượng QLTT, các cơ sở kinh doanh đã buộc phải ký cam kết niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết. Nhận được sự tin tưởng của người dân, trong khoảng thời gian đó, lực lượng QLTT liên tục nhận được sự phản ánh tình trạng cơ sở kinh doanh “hét giá” khẩu trang y tế qua đường dây nóng. Trên khắp mạng xã hội đều đăng hình ảnh “Ai bán khẩu trang đắt gấp 10 - 15 lần, gọi ngay theo số điện thoại nóng của QLTT”.
Cũng liên quan đến chiếc khẩu trang, vào giữa tháng 2/2020, lực lượng QLTT cơ sở phát hiện một cơ sở sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh vào giữa tháng 2. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Tổng cục QLTT nhanh chóng chỉ đạo tiếp tục vào cuộc điều tra sâu thêm. Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, thời điểm đó, một mặt, Tổng cục gửi mẫu hàng thu được đi kiểm định tại Trung tâm kiểm nghiệm thuốc mỹ phẩm Hà Nội. Một mặt cử các đội trinh sát tiếp cận địa bàn để tìm hiểu cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Việt Hàn, trụ sở tại thôn Khôn Thôn, xã Minh Cường, huyện Thường Tín (Hà Nội).
“Rất may khi giao dịch trên mạng của các đối tượng đã để lại manh mối. Chúng tôi thậm chí còn đóng vai người có nhu cầu mua hàng để tiếp cận người bán ở cơ sở sản xuất”- ông Linh kể lại.
Những tưởng lực lượng QLTT sẽ “thảnh thơi” hơn để tập trung kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực khác khi dịch bệnh lắng xuống thì đến ngày 7/3, khi bệnh nhân số 17 được phát hiện dương tính với Covid-19, một khu phố ở trung tâm Hà Nội bị phong tỏa khiến người dân đổ xô đi vét hàng tích trữ. Ngay lập tức, Tổng cục QLTT tiếp tục có công văn “hỏa tốc” chỉ đạo Cục QLTT địa phương tăng cường kiểm tra,kiểm soát, kiên quyết không để tình trạng găm hàng tăng giá đột biến đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, trang thiết bị y tế… Ngoài kiểm tra, xử lý, các đội QLTT còn tổ chức tuyên truyền ký cam kết tới các hộ kinh doanh bán hàng có niêm yết giá bán theo quy định, không găm hàng.
Theo Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh, thực tế của quá trình đấu tranh thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 cho thấy, khi có dịch, các mặt hàng diễn biến phức tạp theo 3 loại vi phạm: Hàng không rõ nguồn gốc (đây là vi phạm chính); Hàng không bảo đảm chất lượng- hàng giả; Găm hàng, hàng không niêm yết giá.
Số liệu cho biết, lũy kế từ ngày 31/1 đến 11/4/2020 lực lượng QLTT đã tiến hành 7.940 vụ kiểm tra, giám sát, xử lý. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 3,66 tỷ đồng. Những con số ấy chỉ nói lên được phần nào những nỗ lực, công sức cùng sự vất vả, tận tâm đầy trách nhiệm trên cơ sở thực thi đúng pháp luật của lực lượng QLTT khi trong bất kỳ hướng tuyến nào trên mặt trận kinh tế góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, xây dựng thị trường phát triển lành mạnh, bền vững thì lực lượng QLTT đều có mặt. Không chỉ có mặt mà còn đóng vai trò chủ công thậm chí là ngay trên tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Phát hiện kho chứa 72 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc |
Cũng cần nói thêm là sự vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu của lực lượng trong việc bảo đảm không “sốt” nóng khẩu trang y tế trên thị trường, một mặt đã góp phần để người dân đủ công cụ phòng dịch, một mặt đã tạo một bước đệm quan trọng về thời gian và thị trường để chuyển dần sang các loại khẩu trang vải đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng dịch.
Cùng đó, theo đà diễn biến của dịch bệnh Covid-19 khi đã mang tính liên quốc gia, lực lượng QLTT đang đưa vào tầm ngắm nghiệp vụ các vụ xuất lậu khẩu trang qua biên giới để phối hợp cùng các lực lượng thuộc Ban chỉ đạo 389 trong việc xử lý các vụ việc phát hiện được.
Không chỉ tích cực kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, lực lượng QLTT vẫn tiếp tục triển khai đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại và hàng lậu. Ngay trong mùa dịch, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT đã trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra đột xuất các quầy hàng tại Trung tâm thương mại Sài gòn Square và Chợ Bến Thành, phát hiện hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn mác thương hiệu nổi tiếng. Trước đó, vào cuối tháng 2, lực lượng QLTT cũng “khui” lượng lớn hàng hóa nghi giả mạo thương hiệu nổi tiếng tại 10 cơ sở kinh doanh ở The Manor (khu đô thị Mỹ Đình 1, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Biểu dương những nỗ lực của Tổng cục QLTT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, những kết quả công tác của Tổng cục QLTT là rất tích cực, nhất là trong việc ngăn chặn hàng giả, đấu tranh chống đầu cơ găm hàng. Song Bộ trưởng lưu ý, bên cạnh các công tác thường xuyên, lực lượng QLTT cần quan tâm và chú ý cả việc gian lận trên môi trường thương mại điện tử để từ đó phối hợp cùng các lực lượng chức năng bảo đảm trật tự, kinh doanh đúng pháp luật và quyền lợi của người tiêu dùng cuối cùng trong bối cảnh thương mại điện tử đang là sự lựa chọn mới khi dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
“Hoạt động chống hàng giả xâm phạm sở hữu trí tuệ chưa bao giờ được làm mạnh như vừa qua, nhất là cấp độ địa phương và phối hợp với các lực lượng chức năng”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Và, tinh thần, tâm thế chủ động của lực lượng QLTT, từ người lãnh đạo đến các công chức, thể hiện ở việc không ít lần tại các cuộc họp tại Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhiều chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, của Ban chỉ đạo được nêu lại cuộc họp đã nhanh chóng được "thực thi hóa" ngay sau khi lãnh đạo Tổng cục chuyển tải qua điện thoại di động tới các Cục, các Chi cục - ngay cả khi cuộc họp vẫn đang diễn ra theo đúng tinh thần “Chống dịch như chống giặc”...
Nguồn: Báo Công thương