Lào Cai là một trong những địa bàn có hoạt động giao thương sôi động với Trung Quốc. Nguy cơ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) xuất hiện và diễn biến phức tạp ở Lào Cai có thể xảy ra bất cứ lúc nào, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) ở Lào Cai cần phải tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Quang Hiểu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai nhận định: Lào Cai tiếp giáp với tỉnh Vân Nam Trung Quốc, có 3 tới cửa khẩu quốc tế (2 đường bộ một đường sắt) nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai thông thương với thị trường Trung Quốc, rất thuận lợi cho giao thương hàng hóa, song đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng để buôn bán, kinh doanh hàng lậu, hàng giả… đưa từ các địa bàn khác trong nước đến Lào Cai cũng như từ Trung Quốc vào Việt Nam. Điển hình trong tháng 7/2020 vừa qua, tại Lào Cai, lực lượng QLTT phối hợp các lực lượng chức năng khác kiểm tra đã phát hiện và xử lý một vụ kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm SHTT… thông qua hình thức online trên mạng xã hội có qui mô khá lớn, lên đến 9.000 đơn vị sản phẩm, trị giá hàng tỷ đồng. Điều này cho thấy, nguy cơ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm SHTT diễn biến phức tạp ở Lào Cai có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tập huấn kỹ năng nhận biết hàng thật - hàng giả, tại Cục QLTT tỉnh Lào Cai. Ảnh Ngọc Quỳnh |
Trong thời gian vừa qua, Cục Quản lý thị trường Lào Cai đã tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lào Cai chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động và phối hợp tăng cường đấu tranh. Cục QLTT Lào Cai đã chủ động bám sát cgỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT cũng như tỉnh Lào Cai về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm SHTT… để ban hành các kế hoạch đấu tranh, tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các địa bàn trọng điểm, triển khai công tác ký cam kết các hộ kinh doanh không buôn bán, tàng trữ, tiếp tay cho hàng giả. Mới đây, Cục QLTT Lào Cai đã ban hành kế hoạch trọng điểm chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm SHTT cao điểm từ tháng 6 đến tháng 8/2020 tăng cường đấu tranh, ngăn chặn. Cục QLTT Lào Cai cũng đã thành lập tổ thương mại điện tử để nắm bắt, xử lý thông tin, theo dõi, kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm SHTT… thông qua các trang mạng xã hội. Cục QLTT Lào Cai cũng luôn quan tâm tổ chức các cuộc tập huấn cho cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ kiến thức, kỹ năng nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả…để nâng cao hiệu quả công tác.
Nhận định từ nay đến cuối năm 2020 có các dịp diễn ra đầu năm học mới, Tết Trung thu, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán…, nguy cơ xuất hiện hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm SHTT trên địa bàn Lào Cai có thể sẽ gia tăng, tập trung vào các mặt thời trang giả nhãn hiệu, thực phẩm, mỹ phẩm… Ông Nguyễn Quang Hiểu, cho biết, căn cứ vào Quyết định 3972 của Tổng cục QLTT, Cục QLTT Lào Cai sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp đấu tranh đến từng địa bàn nổi cộm, yêu cầu các đội QLTT trực thuộc chủ động liên hệ các doanh nghiệp có nhãn hàng hóa bị làm giả để phối hợp tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả... Đồng thời, tiếp tục tăng cường vận động, tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật, tiếp tục triển khai ký kết với các hộ kinh doanh không kinh doanh, tàng trữ, tiếp tay cho hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm SHTT. Kiểm tra và xử lý nghiêm minh các tụ điểm bán hàng giả, gắn trách nhiệm của cán bộ công chức với địa bàn được giao phụ trách quản lý nếu để xảy ra vi phạm. Tranh thủ sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh để gắn trách nhiệm vào các địa bàn đối với các cơ quan chức năng trong việc phối kết hợp tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả.
Ở góc độ về chuyên môn nghiệp vụ, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (trực thuộc Tổng cục QLTT), cho rằng, đối với các tỉnh có hoạt động giao thương sôi động với Trung Quốc như Lào Cai, nguy cơ hàng giả phứ tạp là rất khó lường, Cục QLTT Lào Cai cần quan tâm hơn đến công tác quản lý địa bàn, chủ động và nắm chắc tình hình điạ bàn để phát hiện, xây dựng các kế hoạch cụ thể, đề ra những mục tiêu cụ thể hơn, từ đó kịp thời có các biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm.
Nguồn: Báo Công thương