Bạn đang ở đây

Làm việc online xuyên biên giới tăng 30% vì dịch Covid-19

29/07/2021 13:48:38

Ước tính, trên toàn cầu có khoảng 600 triệu người lao động có thể làm việc online. Đây là cơ hội lớn cho các nền kinh tế mới nổi có thể cung cấp lao động xuyên biên giới mà không phải thông qua các thủ tục thị thực rắc rối.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các doanh nghiệp và tổ chức mở rộng hình thức làm việc online, thậm chí là xuyên biên giới. Trên thực tế, các doanh nghiệp phải tìm cách duy trì hoạt động khi người lao động quốc tế không thể nhập cảnh để đi làm do vấn đề thị thực hay các lao động nhập cư phải quay trở về nhà vì đại dịch.

Theo kết quả nghiên cứu của đại học Oxford, năm 2020, 82% người lao động làm việc từ xa đến từ các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, và tỉ lệ này càng tăng. Mức lương trung bình mà những lao động này nhận được là 10 USD/giờ, thấp hơn nhiều so với con số trung bình 33 USD/giờ tại Mỹ. Các nền kinh tế mới nổi này đang nhanh chóng thích nghi với xu hướng mới nổi này.

Làm việc online xuyên biên giới tăng 30% vì dịch Covid-19

Theo Tổ chức Lao động quốc tế, có rất nhiều công việc có thể làm việc trực tuyến, ước tính chiếm 1/6 số lao động, bao gồm các ngành nghề như kỹ sư công nghệ thông tin, chuyên gia tài chính. Điều này có nghĩa là có khoảng 600 triệu lao động trên toàn cầu có khả năng làm việc từ xa.

Một trang web hàng đầu của Australia về kết nối người cung cấp và lao động tìm kiếm việc làm trực tuyến cho biết, số lượng người trên khắp thế giới đăng ký với tư cách lao động tự do đã đạt 50,8 triệu người vào cuối năm 2020, tăng 8,9 triệu người so với một năm trước đó. Đến tháng 6/2021, con số này đã tăng lên 53,1 triệu người, tăng gần 30% so với trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Một cuộc khảo sát của đại học Oxford cho thấy, tháng 7/2021, việc làm được cung cấp thông qua các công ty môi giới việc làm trực tuyến bằng tiếng Anh đã tăng 30% so với cùng kỳ 2 năm trước.

Lý do đằng sau sự tăng trưởng vượt bậc này là do các hạn chế đi lại giữa các quốc gia trong bối cảnh đại dịch. Theo đó, số lượng thị thực được chính quyền Hoa Kỳ cấp đã giảm mạnh. Theo tính toán trong năm tài chính 2020, tính đến tháng 9/2020, chỉ 124.983 thị thực được cấp theo diện H-1B, cho phép người sử dụng thuê lao động nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số và các ngành nghề chuyên môn khác, giảm 30% so với năm trước. Trong năm tài chính 2021, rất có thể con số này còn giảm với tốc độ hơn 50%.

Các công ty công nghệ thông tin là những doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng lớn. Ví dụ, Infosys của Ấn Độ hay công ty cung cấp dịch vụ tư vấn Tatamuốn điều các kỹ sư từ nước họ đến làm việc tại Mỹ nhưng lại gặp vấn đề về thị thực. Các công ty công nghệ đã vượt qua khủng hoảng không chỉ bằng cách tuyển thêm nhân viên địa phương mà còn cho phép các kỹ sư làm việc trực tuyến từ quê nhà của họ.

ông Venkataraman Ramakrishnan, cựu Giám đốc Tài chính của Tata Consultancy Services, cho biết, làm việc từ xa cho phép phân bổ lao động bất kể chức vụ và quốc tịch, đồng thời, giảm rủi ro trong việc cung cấp dịch vụ.

“Một nhân viên lập trình trang web tại Ấn Độ có thể nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn thông qua các kênh cung cấp việc làm từ Mỹ, Australia hay những quốc gia khác. Dịch vụ khách hàng vẫn có thể được thực hiện mà không đòi hỏi các thủ tục thị thực rối rắm,...” - ông Venkataraman Ramakrishnan cho biết.

Tuy nhiên, một số quốc gia phát triển, chẳng hạn như Nhật Bản, đang bị tụt lại trong xu hướng này. Theo thống kê của Oxford, Nhật Bản chỉ mới cung cấp được 0,1% đơn hàng thông qua các công ty môi giới việc làm trên toàn cầu. Có thể thấy, khả năng cạnh tranh quốc tế của họ đang dần suy yếu trừ khi những nước này có thể nhanh chóng nuôi dưỡng nguồn nhân lực có kỹ năng về công nghệ kỹ thuật số.

Nguồn: Báo Công thương