Tiếp tục những thông tin về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; Chính sách thuế của Mỹ đối với Trung Quốc; Ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại đến xuất, nhập khẩu; Bế tắc đàm phán thương mại Mỹ - EU… là những thông tin kinh tế nổi bật trên thế giới tuần qua.
Mỹ áp thuế đối với mặt hàng tủ gỗ và bàn trang điểm nhập khẩu của Trung Quốc
Ngày 8/8, Mỹ đã áp các mức thuế mới đối với mặt hàng tủ gỗ và bàn trang điểm nhập khẩu trị giá hơn 4 tỷ USD từ Trung Quốc. Với việc áp thuế mới này, Mỹ cho rằng các nhà sản xuất nội thất của Trung Quốc đang hưởng lợi từ những khoản trợ cấp không công bằng.
Thông báo trên của Bộ Thương mại Mỹ được đưa ra chỉ một tuần sau khi Washington thông báo các mức thuế mới đối với lượng hàng hóa trị giá 300 tỷ USD nhập khẩu của Trung Quốc, đồng nghĩa kể từ ngày 1/9 tới, tất cả hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đều bị áp các mức thuế phạt của Mỹ.
Tổng thống Mỹ tiến gần hơn đến cuộc chiến tiền tệ với Trung Quốc
Trước việc đồng USD mạnh khi cuộc chiến tranh tiền tệ căng thẳng leo thang với Trung Quốc tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra không hài lòng.
Trong một bài đăng trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump dường như đang kêu gọi một đồng USD yếu hơn nhằm hỗ trợ khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ.
Bình luận trên được Tổng thống Mỹ đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ Tài chính Mỹ “gắn mác” Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ vì đã để đồng NDT giảm giá sau khi Washington tuyên bố sẽ áp mức thuế bổ sung 10% lên lượng hàng hóa trị giá 300 tỷ USD nhập khẩu từ nước này từ 1/9 tới.
Trung Quốc cáo buộc Mỹ cố tình làm mất uy tín các doanh nghiệp của nước này
Trung Quốc đã chỉ trích các quy định của Mỹ đưa ra nhằm cấm Tập đoàn công nghệ Huawei và các công ty khác của Trung Quốc tham gia các hợp đồng của Chính phủ Mỹ là "lạm dụng quyền lực nhà nước".
Đây là động thái mới nhất trong cuộc chiến thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ.
APEC 2020 sẽ đưa ra mục tiêu tiếp nối Mục tiêu Bogor
Chiều ngày 8/8, Bộ Thương mại quốc tế và công nghiệp Malaysia (MITI) đã tổ chức họp báo giới thiệu về năm APEC 2020 do nước này đăng cai tổ chức.
Tại buổi họp báo, bà Suraya KA Rahman, Trưởng bộ phận Logistics của APEC 2020 cho biết năm APEC 2020 sẽ được chính thức phát động vào ngày 26/11/2019 kéo dài tới tháng 11/2019 với sự tham dự của khoảng 16.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên. Các đại biểu có nhiệm vụ tạo ra sự phấn khích đối với tăng trưởng kinh tế cả ở tầm quốc gia lẫn khu vực đồng thời mang tới cơ hội cho các nền kinh tế APEC giữa những thách thức kinh tế hiện nay.
Kinh tế Canada chịu tác động thế nào trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Theo chuyên gia kinh tế hàng đầu Doug Porter thuộc BMO Financial Markets nhận định, kinh tế Canada đang ở một chu kỳ mà đáng lẽ vốn đầu tư vào tài sản cố định/tư liệu sản xuất phải có bước nhảy vọt, nhưng điều này không xảy ra.
Nguyên nhân một phần do tâm lý lo ngại về công suất của các đường ống dẫn dầu tại nước này và tình trạng thương mại bất ổn.
Căng thẳng thương mại leo thang giữa hai siêu cường kinh tế thế giới không phải là tin tốt lành đối với Canada. Canada là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại, trong khi những quy tắc thương mại lại đang thay đổi trước sức ép của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới
Theo đánh giá của các chuyên gia, nền kinh tế thế giới gần như sẽ rơi vào suy thoái với hầu hết dấu hiệu mang tính chu kỳ cho thấy hoạt động kinh doanh đang trì trệ hoặc sụt giảm. Sự suy thoái vào cuối chu kỳ kinh tế thường khó phân biệt được với suy giảm giữa chu kỳ cho đến khi tình trạng này bắt đầu diễn ra.
Theo ước tính, nền kinh tế thế giới đang ở giữa đợt suy giảm mạnh nhất kể năm 2015 và thậm chí là từ năm 2009.
Tổng thống Mỹ bảo vệ quyết định áp thuế mới với hàng Trung Quốc
Tổng thống Trump khẳng định kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng cao và Trung Quốc đang gây tổn hại tới lợi ích của Mỹ bằng những thỏa thuận thương mại bất công.
Ngày 7/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố lập trường cứng rắn của ông đối với hành vi của Trung Quốc tại các thị trường toàn cầu cuối cùng sẽ giúp ích cho nền kinh tế Mỹ, kể cả khi Bắc Kinh cảnh báo có thể đáp trả bằng cách hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD từ ngày 1/9 tới.
Gần 70% công ty xuất khẩu của Anh chưa chuẩn bị cho Brexit không thỏa thuận
Khoảng 2/3 số công ty xuất khẩu của Anh, chiếm 25% hoạt động giao thương với Liên minh châu Âu (EU), hiện vẫn chưa có những bước căn bản nhất để chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thỏa thuận.
Theo số liệu công bố mới nhất của Cơ quan Ngân sách và Hải quan Anh (HMRC), hiện chỉ có 70.000 trên tổng số khoảng 240.000 doanh nghiệp đã đăng ký các thủ tục cần thiết để có thể tiếp tục làm ăn với EU.
Mỹ ban hành lệnh cấm doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận nhà thầu chính phủ
Mỹ đã chính thức ban hành các quy định cấm Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei và một số công ty khác của Trung Quốc bán thiết bị viễn thông cho các nhà thầu của cơ quan liên bang. Đây được coi là hành động mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai bên đang leo thang.
Tổng thống Donald Trump yêu cầu FED cắt giảm lãi suất
Ngày 7/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) phải cắt giảm lãi suất cơ bản mạnh hơn và nhanh hơn để nâng cao khả năng cạnh tranh của nước này với các quốc gia khác.
Giới phân tích cho rằng động thái bất ngờ của ông chủ Nhà Trắng áp đặt 10% đối với lượng hàng hoá trị giá 300 tỷ USD nhập khẩu của Trung Quốc, có thể buộc FED cắt giảm lãi suất nhiều hơn mức dự kiến để bảo vệ nền kinh tế trước rủi ro liên quan đến chính sách thương mại.
Diễn biến đồng NDT: Câu trả lời của Bắc Kinh đối với căng thẳng Mỹ-Trung
Hãng tin AP đưa tin Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, sau khi Bắc Kinh hạ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) xuống mức nhạy cảm (về mặt chính sách) lần đầu tiên sau 11 năm. Động thái này làm dấy lên quan ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng đồng nội tệ của mình như một vũ khí trong cuộc chiến thương mại với Washington.
Trung Quốc tạm dừng mua nông sản Mỹ
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 6/8 thông báo các doanh nghiệp nước này đã ngừng mua nông sản của Mỹ, đồng thời Bắc Kinh không loại trừ khả năng áp thuế nhập khẩu bổ sung đối với nông sản của Washington được đặt mua sau ngày 3/8.
Động thái của Trung Quốc thể hiện căng thẳng mới nhất trong cuộc chiến thương mại với Mỹ sau khi Washington chính thức liệt Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ, cáo buộc Bắc Kinh phá giá đồng Nhân dân tệ khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên leo thang.
Nhật Bản soán ngôi vương của Hàn Quốc về xuất khẩu mỹ phẩm sang Trung Quốc
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, Hàn Quốc đã đánh mất vị trí nước xuất khẩu mỹ phẩm lớn nhất sang Trung Quốc và tụt xuống vị trí thứ ba trong quý I/2019.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu mỹ phẩm của Hàn Quốc sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đạt 720 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 1-3/2019. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu mỹ phẩm của Nhật Bản sang Trung Quốc đạt 770 triệu USD, chiếm vị trí hàng đầu trong thời gian này, tiếp theo là Pháp với mức 730 triệu USD. Năm ngoái, Hàn Quốc đã vượt Pháp trở thành nhà xuất khẩu mỹ phẩm hàng đầu sang Trung Quốc, Nhật Bản là nước xuất khẩu đứng thứ 3.
Những bế tắc trong đàm phán thương mại Mỹ-EU
Một năm sau khi tuyên bố chung Liên minh châu Âu (EU)-Mỹ được đưa ra, các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên vẫn trong tình trạng bế tắc. Bao gồm các nội dụng như: hàng công nghiệp rơi vào bế tắc; tăng xuất khẩu đậu tương và khí đốt tự nhiên hóa lỏng; cải cách tổ chức WTO; thuế quan vẫn chưa được dỡ bỏ….
Nguồn: Vinanet