Bạn đang ở đây

Kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm nhập khẩu: 7 cải cách lớn năm 2021

09/02/2021 08:06:07

Tổng cục Hải quan cho biết, đang tích cực trong việc triển khai Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu” theo Quyết định 38/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ một cách thực chất, nhằm giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm quản lý ngành, lĩnh vực cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia với 7 cải cách lớn.

Cải cách thứ nhất, hải quan trở thành đầu mối kiểm tra chất lượng (KTCL), kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu. Hải quan sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký KTCL, kiểm tra ATTP hàng hóa nhập khẩu, quyết định phương thức kiểm tra (kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm), thực hiện kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hàng hóa phải lấy mẫu để chứng nhận hợp qui/giám định thì thực hiện chứng nhận hợp qui/giám định tại tổ chức chứng nhận/giám định hoặc các đơn vị, tổ chức của cơ quan hải quan được bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định theo lựa chọn của người khai hải quan.

Hải quan thực hiện chứng nhận hợp qui/giám định khi có bộ máy tổ chức và năng lực đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với tổ chức chứng nhận sự phù hợp theo Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và được các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định. Kết quả KTCL, kiểm tra ATTP của hải quan là cơ sở để người khai hải quan thực hiện thủ tục hải quan. Trường hợp không nhất trí với kết quả kiểm tra của hải quan, người khai hải quan có thể khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả KTCL, kiểm tra ATTP nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra, gồm: Kiểm tra chặt (kiểm tra hồ sơ kết hợp lấy mẫu chứng nhận, giám định, kiểm nghiệm); kiểm tra thông thường (kiểm tra hồ sơ đăng ký KTCL, kiểm tra ATTP) và kiểm tra giảm (kiểm tra hồ sơ ngẫu nhiên không quá 5% trên tổng số lô hàng của năm liền kề trước đó). Nếu hàng hóa đã có 03 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt được chuyển sang kiểm tra thông thường; hàng hóa đã có 03 lần liên tiếp đạt yêu cầu kiểm tra thông thường được chuyển sang kiểm tra giảm. Hệ thống công nghệ thông tin và cơ quan kiểm tra nhà nước tự động xác định hàng hóa được miễn giảm kiểm tra. Việc áp dụng hoặc chuyển đổi phương thức kiểm tra phụ thuộc vào mức độ rủi ro, khả năng gây mất an toàn của hàng hóa nhập khẩu (vật liệu nổ, thuốc thú y... phải kiểm tra chặt chẽ).

Kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm nhập khẩu: 7 cải cách lớn năm 2021
Kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Ảnh NQ

Thứ ba, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra. Hải quan sẽ thực hiện đồng thời thủ tục nhập khẩu hàng hóa và thủ tục kiểm tra với một đầu mối là hải quan. Hàng hóa nhập khẩu được phân loại vào các quy trình kiểm tra khác nhau theo hướng đơn giản dần, trên cơ sở ứng dụng tối đa công nghệ thông tin. Hệ thống tự động quyết định đối tượng được miễn, giảm kiểm tra, doanh nghiệp không phải đề nghị. Với cải cách này, sẽ giúp cắt giảm trình tự, thủ tục và thời gian thông quan hàng hóa (cắt giảm 3 bước thủ tục KTCL, cắt giảm 2 bước đối với kiểm tra ATTP), doanh nghiệp chỉ phải đăng ký KTCL với hải quan, lựa chọn tổ chức giám định và thông báo cho hải quan và được thông quan hàng hóa nếu đạt chất lượng, an toàn thực phẩm, không phải đi lại đến nhiều đầu mối, giảm được chi phí, thời gian.

Thứ tư, thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm các lô hàng phải kiểm tra. Hải quan sẽ áp dụng phương thức hoặc chuyển đổi phương thức từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ thông thường sang kiểm tra giảm đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu nhằm cắt giảm tỷ lệ kiểm tra đối với cùng một mặt hàng. Người nhập khẩu chịu trách nhiệm với lô hàng nhập khẩu và sẽ bị xử lý theo quy định nếu hàng hóa không đạt chất lượng.

Thứ năm, áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro. Hải quan sẽ đánh giá theo tiêu chí lựa chọn đối với nhà xuất khẩu, nhà sản xuất ở nước ngoài; đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; xây dựng danh mục hàng hóa rủi ro của từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp cung cấp thông tin để áp dụng quản lý rủi ro “tích hợp”.

Thứ sáu, bổ sung mở rộng thêm 19 trường hợp miễn kiểm tra phù hợp với thực tiễn; công nhận, thừa nhận hàng hóa đã được kiểm tra tại nguồn, hàng hóa được sản xuất theo công nghệ tiên tiến và có xuất xứ từ những nước, vùng lãnh thổ có tiêu chuẩn chất lượng cao.

Thứ bảy, ứng dụng công nghệ thông tin vào KTCL và kiểm tra ATTP trên cơ sở kế thừa và chuyển luồng dữ liệu từ Cổng thông tin một cửa quốc gia tới hệ thống thông quan hải quan; các hệ thống chuyên ngành tiếp tục chia sẻ thông tin hiện có và chia sẻ thêm thông tin thông quan từ phía hải quan để phục vụ quản lý nhà nước của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia, hệ thống thông quan tự động và hệ thống quản lý rủi ro để bổ sung các tính năng hỗ trợ doanh nghiệp xác định hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành; hỗ trợ công bố tiêu chuẩn/quy chuẩn áp dụng đối với hàng hóa; kết nối và chia sẻ hồ sơ, dữ liệu cho các bên liên quan; phân luồng kiểm tra chuyên ngành kết hợp với phân luồng kiểm tra hải quan; cung cấp chỉ dẫn cho doanh nghiệp thực hiện các công đoạn trong kiểm tra chuyên ngành kết hợp kiểm tra hải quan.

Nguồn: Báo Công thương