Thông tin tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường thường kỳ tháng 2, bà Tạ Thị Thu Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - cho biết, CPI tháng 2/2019 tăng 0,8% so với tháng 1/2019, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Tết Nguyên đán. CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2019 tăng 2,6% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Tháng 2/2019, các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,69%, chủ yếu do giá gas tăng 3,51%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; đồ uống và thuốc lá… cũng tăng, góp phần vào mức tăng chung của CPI cả nước.
Giá hàng hóa ổn định trong tháng đầu năm 2019 |
Các mặt hàng phục vụ Tết có xu hướng tăng khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao dịp cuối năm. Tuy nhiên, ngay sau dịp Tết, nhờ nguồn cung hàng hóa dồi dào, cộng với những giải pháp điều hành linh hoạt các mặt hàng do nhà nước quản lý, nên CPI không tăng đột biến. Đơn cử, với xăng dầu, liên tục từ trước Tết Nguyên đán đến nay, liên bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng quỹ bình ổn để bù giá, giúp giá xăng dầu được giữ ổn định trong các kỳ điều chỉnh. Từ đó, hạn chế được tình trạng "té nước theo mưa", tăng giá các mặt hàng thiết yếu theo giá xăng dầu. "Nhờ kế hoạch chuẩn bị và ổn định giá được triển khai từ khá sớm, hàng hóa dịp Tết dù tăng giá nhẹ nhưng không có nhiều biến động tiêu cực, góp phần tích cực cho việc giữ CPI không tăng quá cao trong tháng Tết" - bà Đồng Ánh Ngọc - Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho hay.
Thận trọng điều hành giá
Theo quy luật hàng năm, CPI sẽ giảm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Năm nay, ngoài việc diễn biến theo đúng quy luật hàng năm, việc điều hành giá dự báo sẽ thuận lợi hơn trong thời gian tới khi giá thịt lợn có xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi. Bên cạnh đó, hiện nay, một số mặt hàng như LPG, thép, phân bón, thóc, gạo… cũng đang giảm, tạo thuận lợi cho việc điều hành một số mặt hàng do nhà nước quản lý theo đúng lộ trình.
Tuy nhiên, bà Đồng Ánh Ngọc cho rằng, không thể chủ quan với CPI vì tháng 3, nhu cầu người dân đi du lịch tâm linh tăng cao; lưu trú ăn uống tăng, ảnh hưởng giá hàng hóa. Giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng nên sẽ tác động nhất định đến CPI. Do đó, đại diện Bộ Tài chính kiến nghị: Trong quý I, vẫn cần điều hành giá thận trọng. Trước khi điều chỉnh, cần phải nghiên cứu và đánh giá kỹ tác động; đồng thời, có sự truyền thông sớm để tạo sự đồng thuận trong dư luận.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong thời gian tới, để ổn định thị trường và giá hàng hóa, cần theo dõi sát biến động của các mặt hàng thiết yếu. Đơn cử, đối với mặt hàng thịt lợn, hiện, dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát tại nước ta nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tuyên truyền rộng rãi đến người dân nhằm tránh gây hoang mang, cung cấp các thông tin giúp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho thị trường.
Với mặt hàng gạo, tiếp tục thực hiện các giải pháp mua dự trữ lúa gạo để giá không xuống quá sâu, ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân. Riêng các mặt hàng có tác động lớn như giá điện, nghiên cứu kỹ tác động của việc tăng giá đến lạm phát, từ đó, có đề xuất thời điểm điều hành hợp lý nhằm bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp và không ảnh hưởng lớn đến thị trường hàng hóa.
Nguồn: Báo Công thương