Hàng nghìn điểm bán khuyến mại trên phạm vi cả nước, nhiều mặt hàng giảm sâu đến 70%... ngành hàng bán lẻ tích cực kích cầu tiêu dùng nội địa dịp cuối năm.
Tháng khuyến mại tập trung quốc gia đã góp phần quan trọng kích cầu tiêu dùng nội địa. |
Nhiều chương trình khuyến mại lớn
Sự kiện chương trình Tháng khuyến mại quốc gia 2022 đã được khởi động từ tuần này và sẽ kết thúc vào ngày 22/12/2022 trên phạm vi toàn quốc. Rất nhiều sản phẩm được giảm giá từ 50 đến 70%, thậm chí có mặt hàng còn được giảm tới 100% trên tất cả các kênh thương mại điện tử và các siêu thị bán lẻ.
Ngay lúc này, ở Hà Nội người dân đã được trải nghiệm mua sắm tại hơn 1.000 điểm khuyến mại. Còn tại TP Hồ Chí Minh dự kiến cũng sẽ có khoảng 7.500 chương trình khuyến mãi, nhiều hơn khoảng 20 - 30% so với thời điểm kích cầu giữa năm. Điều đáng nói hiệu ứng từ người tiêu dùng khá tích cực ngay những ngày đầu của sự kiện này.
Sức mua tại các hệ thống siêu thị ở 2 thành phố lớn hiện được ghi nhận đã tăng từ 25% - 30% so với tháng trước. Còn các trang thương mại điện tử cũng ghi nhận số lượng doanh nghiệp, cá nhân tham gia bán hàng tăng hàng chục lần so với cùng kỳ.
Năm nay, tháng khuyến mại tập trung quốc gia dự kiến sẽ có gần 100.000 chương trình khuyến mại, gấp đôi so với năm ngoái. Các sản phẩm, mặt hàng được khuyến mại mạnh là, đồ gia dụng, điện tử, dịch vụ du lịch, thực phẩm…
Chuẩn bị nguồn cung cho cuối năm và dịp Tết Nguyên đán
Để tạo nguồn cung dồi dào, đảm bảo chất lượng, ổn định giá cả, trong bối cảnh đa phần nguồn nguyên liệu đầu vào tăng giá, nhiều doanh nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng đang gấp rút sản xuất và chuẩn bị nguồn hàng bằng cách thu mua nguyên liệu từ sớm đa dạng thêm nhà cung cấp và tối ưu hóa chi phí để sẵn sàng đón đầu nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm 2022.
Bánh yến mạch là một trong những sản phẩm chủ lực của công ty bánh kẹo Công ty Bánh kẹo Richy Miền Bắc. Năm nay công ty này dự kiến sẽ cung ứng nguồn hàng từ 4.000 - 5.000 tấn bánh kẹo ra thị trường.
Để có 5.000 tấn bánh kẹo ra thị trường ở trong thời điểm Tết doanh nghiệp đã phải tính đến phải có nguồn vốn lưu động từ đầu năm là 200 tỷ đồng, thậm chí doanh nghiệp còn tính đến mua nguyên vật liệu đầu vào để trữ sẵn như bột mì hay bột yến mạch để tránh biến động về giá trong suốt quá trình một năm, qua đó nhằm mang đến cho người tiêu dùng trong nước những sản phẩm bình ổn về giá cả.
Sản xuất bánh kẹo tại một doanh nghiệp.
Để kịp cung ứng nguồn hàng cho dịp cuối năm, Công ty Bánh kẹo Richy Miền Bắc cũng đang tăng tốc sản xuất. Bởi những tháng cuối năm, doanh thu của công ty thường tăng gấp 4 lần.
"Hiện tại, công ty chúng tôi có khoảng 500 công nhân và nhằm đảm bảo nhu cầu của khách hàng nhân viên đã tăng giờ làm lên 12 tiếng. Đây là thời điểm vàng của ngành thực phẩm như chúng tôi", ông Lê Trọng Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Công ty Bánh kẹo Richy Miền Bắc cho hay.
Để đảm bảo đáp ứng đủ nguồn cung, Công ty HNF foods đã tuyển thêm công nhân địa phương, tăng ca để sả xuất các lô hàng cung ứng cho 86.000 điểm bán trên toàn quốc.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cho biết, thông thường trong những tháng cuối năm sẽ là mùa mua sắm nhộn nhịp nhất. Đây cũng là tháng cao điểm để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để kích cầu tiêu dùng.
Doanh nghiệp bán lẻ đảm bảo đủ nguồn cung cho dịp cuối năm
Chương trình "Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022" đã được chuẩn bị từ sớm, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cũng hưởng ứng mạnh mẽ. Một điểm nhấn của Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm nay là các doanh nghiệp có thể thiết kế chiến dịch khuyến mại với mức tối đa 100%, tùy thuộc vào lựa chọn chiến lược và điều kiện của doanh nghiệp. Để thực hiện được các chương trình khuyến mã, các doanh nghiệp bán lẻ cũng đã cấp tập chuẩn bị nguồn hàng từ những tháng đầu quý III.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng của nước ta đạt khoảng 4.643,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng, các giải pháp đã được đồng bộ từ nhà sản xuất, phân phối và các cơ quan chức năng.
Dự đoán tổng lượng hàng hoá dịp Tết sẽ tăng từ 30% - 50%, doanh nghiệp thực phẩm Ubofood đã có chuẩn bị kĩ, tính toán dự trù nguồn hàng từ các trang trại.
"Chúng tôi đã có kế hoạch tăng mức tổng hàng hóa thêm 250 - 300% để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Sở dĩ mức chuẩn bị cao như vậy là do Ubofood đã mở rộng thị trường tại TP Hồ Chí Minh và tập trung triển khai hợp tác với nhiều đối tác lớn", chị Hoàng Quỳnh Anh - Giám đốc Marketing UBOFOOD cho hay.
Ngoài làm việc với các nhà cung cấp để chuẩn bị lượng hàng thiết yếu, các nhà phân phối cũng dự đoán và chuẩn bị đa dạng thêm các chủng loại thường được tiêu thụ nhiều dịp Tết.
Theo Sở Công Thương TP Hà Nội, lượng dự trữ hàng hoá trên địa bàn cho Tết năm nay cũng tăng từ 15 - 20%, các doanh nghiệp đến thời điểm này cũng đã đăng ký đúng lộ trình cho hàng bình ổn giá.
"Trước Tết chúng ta vẫn có đoàn kiểm tra hoạt động để đảm bảo nguồn cung đặc biệt nguồn cung thiết yếu cho Tết và sau Tết. Năm nay chúng tôi kết hợp hai chương trình này thì chắc chắn nguồn hàng sẽ được đảm bảo cả về số lượng và chất lượng cho các địa phương trên toàn quốc", ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Dịp mua sắm cuối năm nay được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp, địa phương kết nối sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Vì thế các sở, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp cũng đang lên kế hoạch đẩy mạnh triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm như: Tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp…
Theo thống kê của Bộ Công Thương, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia đã góp phần quan trọng kích cầu tiêu dùng nội địa, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng triển khai chương trình đạt trên 458.000 tỷ đồng trong năm ngoái, và dự kiến tiếp tục tăng cao hơn trong năm nay. Những kết quả này đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thành công các mục tiêu được Chính phủ giao về kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Nguồn: Báo Yên Bái