Các mô hình trình diễn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ được xem là một trong những giải pháp hiệu quả làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT), tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng quy mô sản xuất của địa phương.
Mặc dù nhu cầu đổi mới công nghệ sản xuất là yếu tố thiết yếu đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất, tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư thiết bị thường rất cao, khiến nhiều DN trong nước còn khó khăn trong việc triển khai. Vì vậy, việc xây dựng các đề án mô hình trình diễn kỹ thuật được xem là phương án hiệu quả trong hoạt động khuyến công quốc gia (KCQG), nhằm khuyến khích, thúc đẩy quá trình đầu tư kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Đây cũng là nội dung đầu tiên trong Chương trình KCQG giai đoạn 2021 – 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt.
Mô hình trình diễn kỹ thuật hỗ trợ hiệu quả sản xuất công nghiệp nông thôn |
Thực tế, KCQG đã tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT thuận lợi trong tiếp cận cơ hội phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các địa phương thực hiện được đề án KCQG có tác động lan tỏa, hỗ trợ sản xuất sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, vùng, địa phương. Đơn cử, Đề án điểm “Hỗ trợ phát triển ngành chế biến nông sản trên địa bàn một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc giai đoạn 2019 - 2020”, do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 triển khai đã bước đầu phát huy hiệu quả, khi đã cải thiện đáng kể giá trị cho nông sản. Đề án này xuất phát từ thực tế, nông sản là thế mạnh của Việt Nam và luôn được xếp vào nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ đô của cả nước. Tuy nhiên, do được sản xuất ở quy mô nhỏ, kỹ thuật lạc hậu nên chất lượng sản phẩm không cao.
Do đó, KCQG đã hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm nông sản tại Công ty TNHH sản xuất y học cổ truyền và đông dược Thế Gia (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) và mô hình sản xuất hàng nông sản xuất khẩu tại Công ty TNHH nông sản xuất khẩu Tấn Phát (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Ngoài ra, KCQG cũng hỗ trợ 3 cơ sở CNNT hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Kết quả, các mô hình trình diễn hỗ trợ ứng dụng thiết bị tiên tiến bước đầu phát huy hiệu quả, sản phẩm tạo ra có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường, giá thành sản phẩm cải thiện đáng kể. Song song với đó là kết hợp lồng ghép, quảng bá, cung cấp thông tin tuyên truyền về sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản và sản phẩm nông sản sau chế biến.
Từ những kết quả đạt được, Chương trình KCQG giai đoạn 2021 – 2025 tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở CNNT.
Chương trình KCQG giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu: Xây dựng 340 mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; ứng dụng 1.600 máy móc, thiết bị và 300 dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; đánh giá sản xuất sạch hơn cho 300 cơ sở CNNT... Nguồn: Báo Công thương |