Năm 2018, tỉnh Cà Mau được Bộ Công Thương phê duyệt 2 đề án khuyến công quốc gia, với tổng kinh phí được phê duyệt 700 triệu đồng; bao gồm: Hỗ trợ ứng dụng máy rửa tôm tự động tại DNTN tôm khô Chí Tâm, kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH MTV Xây dựng - Thương mại Thái Dương, kinh phí hỗ trợ 500 triệu đồng.
Hỗ trợ phát triển thiết bị sấy cá khô bằng năng lượng mặt trời |
Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Cà Mau, năm 2018, trung tâm đã phối hợp với các đơn vị thụ hưởng triển khai thực hiện hoàn thành 2/2 đề án.
Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hỗ trợ xây dựng website cho 4 cơ sở CNNT; tổ chức Hội nghị tập huấn phát triển hoạt động kinh doanh của các cơ sở CNNT trong nền kinh tế số.
Bên cạnh đó, năm 2018, khuyến công Cà Mau thực hiện được 10/12 nhiệm vụ, đề án, đạt 83,33% so với kế hoạch; về kinh phí ước đạt 97,53% so với kế hoạch, giải quyết việc làm cho 110 lao động địa phương, thu hút vốn đầu tư 16,5 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, các đề án khuyến công hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị đã tạo động lực cho cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư thay đổi máy móc, thiết bị và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, bảo quản sản phẩm. Qua đó, giúp cơ sở CNNT chủ động được các khâu sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, bảo quản tốt sản phẩm sau thu hoạch; góp phần giảm chi phí sản xuất, tạo doanh thu, lợi nhuận cho đơn vị; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và đầu ra ổn định cho nguồn nguyên liệu của địa phương.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, các cơ sở CNNT hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, hạn chế về năng lực tài chính và quản trị doanh nghiệp, không đủ điều kiện tiếp cận chính sách khuyến công. Mặt khác, công tác triển khai nhiệm vụ, đề án khuyến công còn chậm; đa số các nhiệm vụ, đề án triển khai vào những tháng cuối năm tạo áp lực về thời gian và công tác thanh toán, quyết toán kinh phí.
Lý giải về hạn chế trên, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Cà Mau cho rằng, phần lớn các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ, chưa quan tâm nhiều đến chính sách hỗ trợ của công tác khuyến công. Ngoài ra, công tác hướng dẫn đơn vị thụ hưởng hoàn thiện hồ sơ thực hiện đề án còn chậm, phát sinh nhiều thủ tục mới.
Vì vậy, năm 2019, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau sẽ tập trung nâng cao chất lượng các đề án khuyến công; chọn những đề án có sức lan tỏa lớn để tận dụng được tiềm năng, thế mạnh; hỗ trợ phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu tại địa phương.
Sự hỗ trợ của chương trình khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT được đầu tư, trang bị thêm nhiều máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại tham gia vào quá trình sản xuất, góp phần hình thành nên các sản phẩm ngày càng chất lượng. Nguồn: Báo Công thương |