Dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ, mua sắm hàng hóa. Để vực dậy sức mua của thị trường nội địa cho giai đoạn hậu Covid- 19, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các giải pháp kích cầu thì việc chuyển sang thương mại điện tử, số hóa là giải pháp cần đặc biệt chú trọng.
Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính đạt 293,9 nghìn tỷ đồng, giảm 20,52% so với tháng trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng đầu năm đạt 1.519,9 nghìn tỷ đồng, giảm 4,27% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế cho thấy, người dân có tâm lý thu hẹp chi tiêu, mua sắm khi gặp khó khăn về công việc và thu nhập từ thời điểm xảy ra dịch Covid- 19. Hiện tại, các mặt hàng không thiết yếu và dịch vụ giải trí bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó, các mặt hàng xa xỉ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mặc dù đã hết lệnh giãn cách xã hội từ ngày 23/4, nhưng nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ tại một số tuyến phố ở Hà Nội như: Lương Văn Can, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Cót, Chả Cá, Hàng Điếu... vẫn đóng cửa. Trong khi đó, ghi nhận tại một số chợ truyền thống, siêu thị trên địa bàn Hà Nội, sức mua cũng rất thấp.
Để vực dậy sức mua của thị trường nội địa không thể thiếu các giải pháp kích cầu |
Trước tâm lý thu hẹp chi tiêu, làm gì để vực dậy sức mua của thị trường nội địa cho giai đoạn hậu Covid- 19 là điều không đơn giản nếu thiếu đi các giải pháp kích cầu.
Để kích cầu tiêu dùng nội địa, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Chính phủ, đặc biệt là chính quyền địa phương cần kiểm soát, giảm thiểu các chi phí ngoài pháp luật. Đồng thời, cần chuyển sang thương mại điện tử, số hóa để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, tiếp cận thị trường. “Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới công bố chỉ số PCI, trong đó trên 50% doanh nghiệp vẫn than phiền phải có chi tiêu ngoài pháp luật để “bôi trơn”. Chi tiêu này khá lớn làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh”- ông Lê Đăng Doanh nói.
Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, việc thực hiện chính sách giảm thuế cũng có thể kích thích tiêu dùng. Với trường hợp Việt Nam, có thể nên giảm thuế VAT khoảng 50% so với mức thuế suất hiện tại để giá hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp giảm thêm nhằm hấp dẫn người mua trong giai đoạn “thắt lưng buộc bụng”.
Cùng với việc tái cơ cấu sản xuất, cắt giảm chi phí các doanh nghiệp cũng cần tìm đến phân khúc thị trường có khả năng tiêu thụ được đó là phân khúc thị trường của các tầng lớp trung lưu mới hiện còn khả năng và dư địa để phát triển.
Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa thương mại điện tử (TMĐT) với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Bộ cũng triển khai xây dựng Trục kết nối dịch vụ TMĐT (giai đoạn I), nhằm hỗ trợ các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến giới thiệu dịch vụ trên hệ thống này; kết nối với các sàn TMĐT của địa phương nhằm liên kết giới thiệu các sản phẩm của địa phương; xây dựng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể khởi tạo mã QR Code, kết nối máy in tem truy xuất; giải pháp quản lý dữ liệu khách hàng trực tuyến cho các cá nhân/đơn vị (CRM giai đoạn 2); xây dựng cổng kết nối sản phẩm xuất khẩu cho hệ thống bán hàng trực tuyến toàn cầu Amazon.
Các chuyên gia nhận định, nếu tình hình dịch bệnh ổn định vào giữa năm, thì các doanh nghiệp có thể kỳ vọng vào mùa mua sắm cuối năm. Nguồn: Báo Công thương |