Bạn đang ở đây

Kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm làng nghề

06/10/2020 08:16:53

Cách làm “độc lập tác chiến”, mạnh ai lấy làm, quảng bá nhỏ lẻ, không nằm trong một chiến lược chung nào, đồng thời với việc thiếu thông tin kinh tế đã khiến nhiều hộ dân làng nghề lao vào sản xuất mà không tiêu thụ được hàng hoá. Cần có chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các làng nghề nói chung và sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng, đây cũng là giải pháp giúp các cơ sở làng nghề có đầu ra ổn định.

Nhằm chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn, trở ngại trong thực tiễn quá trình triển khai công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm làng nghề, chiều nay 2/10, Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội nghị quảng bá và kết nối thị trường sản phẩm làng nghề - Góp phần đẩy mạnh thương hiệu Việt Nam năm 2020.

Sản phẩm của cơ sở VỤN ART đạt tiêu chuẩn 4 sao trong chương trình OCOP và được trưng bày, quảng bá bên lề Hội nghị

Với định hướng ban đầu trên các dòng sản phẩm là khôi phục lại các giá trị thẩm mỹ đã có trong các dòng tranh dân gian truyền thống và chuyển thể sang chất liệu lụa trên cơ sở hình thức gần với nguyên gốc, để quảng bá những giá trị di sản; cách tân từ nguyên mẫu để tạo nên những vẻ đẹp mới và khác, đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng, anh Lê Việt Cường - Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông - người sáng lập cơ sở VỤN ART - chia sẻ, những sản phẩm đầu tiên tham gia cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018 đã nhận được giải khuyến khích của Ban giám khảo, năm 2019, sản phẩm của cơ sở đạt 4 sao trong chương trình OCOP của UBND thành phố Hà Nội. Sản phẩm độc đáo, mẫu mã đẹp nên được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Đến nay, cơ sở tạo việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hiện sản phẩm mới chủ yếu bán trên kênh online. Do sản xuất hoàn toàn thủ công nên giá thành cao hơn và khó cạnh tranh với sản phẩm sản xuất hàng loạt.

Để tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho sản phẩm văn hóa sáng tạo, ông Lê Việt Cường kiến nghị, cần có chính sách khuyến khích các cơ quan Nhà nước ưu tiên sử dụng 30% quà tặng hàng năm từ sản phẩm văn hóa sáng tạo; có chính sách để hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa sáng tạo thông qua hoạt động quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ, giúp người tiêu dùng hiểu biết, cảm thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa sáng tạo.

Ở góc độ thương hiệu làng nghề, TSKH Bạch Quốc Khang - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - nhận định, với cách làm “độc lập tác chiến”, mạnh ai nấy làm, quảng bá nhỏ lẻ, không nằm trong một chiến lược phát triển chung nào, đồng thời với việc thiếu thông tin kinh tế đã khiến nhiều hộ dân làng nghề lao vào sản xuất mà không tiêu thụ được hàng hoá, không ít làng nghề đã rơi vào tình trạng phá sản. Bên cạnh đó, việc thả nổi chất lượng sản phẩm ở một bộ phận hộ dân làng nghề hiện nay đã vô tình kéo lùi sự phát triển của thủ công mỹ nghệ trong phát triển du lịch.

Phát biểu tại hội nghị, bà Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - cho hay, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức, triển khai nhiều nội dung, hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó có công tác quảng bá, phát triển bền vững sản phẩm làng nghề truyền thống song song với thực hiện Chương trình sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp. Việc phát triển các làng nghề truyền thống tại các vùng nông thôn trên cả nước đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần khôi phục lại sản xuất những làng nghề đã bị mai một, phát triển mạnh những làng nghề đang còn tồn tại.

Từ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hiệu quả đã duy trì và tăng số hộ sản xuất, số lao động tại các làng nghề để đáp ứng sản lượng, sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Việc quảng bá, phát triển và xây dựng thương hiệu các làng nghề còn mang lại nhiều lợi ích về mặt xã hội, giúp tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới, giảm bớt tình trạng thất nghiệp ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho các hộ gia đình và người lao động nông thôn tăng thu nhập ổn định và cải thiện đời sống.

Hiện, cả nước có 5.411 làng nghề và làng có nghề. Số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn tăng lên với tốc độ bình quân 8,8% - 9,8%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của làng nghề khoảng 15%/năm. Riêng ngành thủ công mỹ nghệ đã tạo ra mặt hàng chủ lực của làng nghề, thu hút khoảng 1,5 triệu lao động, mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra, thương hiệu, quảng bá sản phẩm chưa được bài bản là vấn đề chung của các làng nghề nói chung và ngành thủ công mỹ nghệ nói riêng. Ghi nhận các kiến nghị, các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và các chuyên gia, bà Đinh Thị Bảo Linh cho biết, ở góc độ của Bộ Công Thương chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa việc quảng bá, kết nối đưa những sản phẩm làng nghề Việt Nam tới các điểm bán trên cả nước.

Việc xây dựng xây dựng thương hiệu làng nghề không chỉ là quảng bá tiêu thụ sản phẩm, mà còn là giải pháp hàng đầu cho phát triển đa dạng và bền vững kinh tế nông thôn, không chỉ giúp phát triển du lịch, mà còn thúc đẩy đổi mới quan hệ sản xuất, tổ chức liên kết giữa những người sản xuất (chiều ngang) và liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ giữa nông dân – DN (chiều dọc). Để xây dựng thương hiệu cho các làng nghề, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết phải có sản phẩm tốt. Bên cạnh đó, cần được cải tiến về mẫu mã, thiết kế; nâng cao và đảm bảo độ ổn định của chất lượng; có bao bì phù hợp, độc đáo… Cùng với cải tiến mẫu mã phải đảm bảo tính truyền thống và bản sắc vùng miền, địa phương, thậm chí bản sắc của mỗi nghệ nhân trong sản phẩm.

Về phía các địa phương cần tập trung hỗ trợ các làng trọng điểm, làm mẫu để nhân rộng. Theo kinh nghiệm một số nơi, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn trên địa bàn triển khai thực hiện các loại dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, chọn làng nghề tiêu biểu để hỗ trợ.

Nguồn: Báo Công thương