YênBái - Ngày 3/2/1930, Đảng cộng sản Đông Dương ra đời (sau này là Đảng cộng sản Việt Nam) đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc. Từ đây, nhân dân các dân tộc Yên Bái cùng cả nước được Đảng dìu dắt, chỉ đường trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng phát triển đất nước.
Một góc trung tâm thành phố Yên Bái hôm nay. (Ảnh: Thanh Miền) |
Nhưng dưới sự thống trị hà khắc của chính quyền thực dân, phong kiến, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc gặp muôn vàn khó khăn, chúng luôn luôn tìm mọi cách đàn áp, khủng bố cách mạng ngay từ những ngày trứng nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với truyền thống cách mạng kiên cường, nhân dân các dân tộc một lòng theo Đảng vượt qua những thách thức, cam go giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Tháng 9 năm 1940, Nhật xâm lược Đông Dương. Từ đó, nhân dân các dân tộc Yên Bái cũng như nhân dân cả nước "một cổ hai tròng”, sống dưới hai tầng áp bức bóc lột. Đứng trước sự tàn bạo của kẻ thù, tháng 11 năm 1940, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VII đã quyết định thành lập "Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương” nhằm tập hợp hết thảy các tầng lớp nhân dân, các lực lượng phản đế, phản phong ở Đông Dương để chống lại kẻ thù.
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng, tháng 6 năm 1940, đồng chí Trần Thị Minh Châu là vợ đồng chí Đào Duy Kỳ - Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ và là Ủy viên Ban cán sự Đảng khu D (khu D được thành lập tháng 5 năm 1940 gồm các tỉnh: Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang và Tuyên Quang) đang hoạt động ở Cát Trù, huyện Cẩm Khê - Phú Thọ được giao nhiệm vụ lên Nang Sa - Hiền Lương hoạt động, bắt nhân mối, xây dựng lực lượng phản đế, phản phong.
Chị Châu có mối quen biết ông Ký Thọ - con trai cụ Đề Kiều. Chị gái ông Ký Thọ lại quen biết chị Nguyễn Thị Hạng. Chị Hạng là con gái cả của ông Nguyễn Văn Hưởng (thường gọi là ông trùm Hạng) là người có uy tín ở Hiền Lương. Chị Trần Thị Minh Châu lên ở nhà chị Hạng đổi tên là Trinh để hoạt động, em trai chị Hạng là Nguyễn Bội Vũ - một thanh niên rất tích cực tham gia các phong trào hoạt động yêu nước. Trong những ngày đầu ở đây, chị đã vận động thành lập được nhóm "Thanh niên phản đế”.
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhóm "Thanh niên phản đế” đã lên tới 20 người do Đào Đình Bảng, người thôn Linh Thông, xã Minh Quân, học sinh trường Động Lâm (thuộc Hiền Lương), Nguyễn Bội Vũ, Nguyễn Mạnh Đức làm nòng cốt. Hội "Thanh niên phản đế” hăng hái tham gia phong trào đọc sách, báo, tài liệu của Đảng, tổ chức rải truyền đơn ở các chợ Hiền Lương, Vân Hội và một số nơi khác kêu gọi quần chúng đoàn kết chống đế quốc và tay sai.
Đồng chí Trần Thị Minh Châu còn bắt mối với thầy giáo Trần Đình Đông là người hoạt động của ta từ xuôi lên và học sinh Trường Tiểu học Động Lâm. Chị còn vận động nhân dân làm đơn đề nghị cho mở trường tư thục tiểu học hệ Pháp - Việt để đưa đồng chí Nguyễn Văn Trạch cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ lên hoạt động trong vỏ bọc là thầy giáo.
Đầu năm 1941, vào một đêm trời có trăng, Hội "Thanh niên phản đế” tổ chức một cuộc họp ở đình Hiền Lương do đồng chí Trần Thị Minh Châu chủ trì. Cuộc họp bị bại lộ do mật thám theo dõi, thanh niên tản ra cánh đồng như đi chơi trăng, chị Châu và Đào Đình Bảng ẩn náu vào hậu cung an toàn. Sau cuộc họp bị lộ ấy, kẻ địch đã phát hiện ra cơ sở cách mạng, chúng ra tay khủng bố. Bảy thanh niên của Hội "Thanh niên phản đế” bị chúng bắt đưa đi giam giữ, tra tấn ở nhà tù Phú Thọ gồm Đào Đình Bảng, Nguyễn Bội Vũ, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Mạnh Đức…
Bị khủng bố gắt gao, những hoạt động của các tổ chức cách mạng vẫn được tăng cường, hết sức đề cao công tác bí mật; ý thức cảnh giác của nhân dân được nâng cao để bảo vệ cho lực lượng hoạt động, bảo vệ cán bộ. Năm 1942, đồng chí Đặng Văn Dĩ (tức Trần Quang Bình) thoát khỏi nhà tù Hòa Bình, bắt liên lạc được với đồng chí Trần Thị Minh Châu. Khu Hiền Lương được tăng cường thêm cán bộ, phong trào cách mạng ở Hiền Lương có điều kiện để phát triển.
Năm 1943, Xứ ủy Bắc Kỳ giao nhiệm vụ cho đồng chí Bình Phương (Nguyễn Đức Vũ) nối liên lạc với đồng chí Đặng Văn Dĩ. Sau khi bắt được liên lạc, hai đồng chí ra sức phát triển cơ sở ở Hiền Lương, Nang Sa, Vần, Linh Thông và các vùng lân cận.
Sau nhận định của Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đảng họp ở Võng La là: Phong trào cách mạng ở Đông Dương có thể bỗng chốc tiến lên những bước cao hơn nên phải khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa; xây dựng căn cứ địa ở nông thôn, rừng núi và phát triển lực lượng vũ trang hơn nữa, đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng lên nghiên cứu tình hình ở Phú Thọ và Yên Bái.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt nhận định: Địa thế này có thể xây dựng thành căn cứ địa, lúc đầu có thể bao gồm vùng bắc Hạ Hòa, hữu ngạn huyện Trấn Yên, huyện Văn Chấn, huyện Phù Yên. Sau này, phong trào cách mạng phát triển có thể mở rộng hơn nữa…
Tháng 6 năm 1941, đồng chí Hoàng Quốc Việt lên Hiền Lương lần thứ 2 kiểm tra lại tình hình và phổ biến nhiệm vụ mới. Ở đây, đồng chí đã tổ chức một cuộc họp quan trọng tại nhà ông Trần Quang Khải (tức Quang Vĩ) là người nhà đồng chí Trần Quang Bình ở làng Nang Sa. Thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Quốc Việt phân tích tình hình của nước ta và nhấn mạnh vai trò nhiệm vụ của căn cứ địa cách mạng, công nhận vai trò trọng yếu của căn cứ cách mạng Hiền Lương để từng bước mở rộng địa bàn hoạt động.
Tại đây, đồng chí Hoàng Quốc Việt quyết định thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú Yên gồm 3 đồng chí: Nguyễn Đức Vũ (Bình Phương), Đặng Văn Dĩ (Trần Quang Bình), Nguyễn Tạo (tức Hà) do đồng chí Bình Phương làm bí thư (theo lịch sử Đảng bộ xã Hiền Lương). Thế là từ đây căn cứ cách mạng Hiền Lương chính thức có Ban cán sự Đảng lãnh đạo, đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng của cách mạng. Nhiều cơ sở Việt Minh liên tiếp ra đời ở Hiền Lương, Linh Thông, Vần và vùng lân cận như Động Lâm, Đan Thượng…
Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn quyết liệt, cục diện chiến trường thay đổi rất nhanh. Lợi dụng tình hình đó, cán bộ tù chính trị ở Sơn La quyết định từ vượt ngục chuyển sang phá ngục, giải thoát cho hơn 200 đồng chí để bổ sung cán bộ cho các vùng. Đồng chí Nguyễn Duy Thân được phân công ở lại Hiền Lương thay thế đồng chí Bình Phương (đi mở lớp huấn luyện quân sự ở Bắc Giang) đồng chí Nguyễn Duy Thân rất coi trọng đẩy mạnh phát triển các tổ chức cách mạng. Các tổ chức hội quần chúng phát triển lên hàng trăm người.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Đình Bảng ra Chỉ thị "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản Chỉ thị chỉ ra cơ hội của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền từ tay kẻ thù đã chín mùi.
Trước tình hình khẩn trương, Xứ ủy giao cho đồng chí Ngô Minh Loan lên thay đồng chí Nguyễn Duy Thân, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở căn cứ cách mạng Vần - Hiền Lương; gấp rút củng cố và xây dựng tổ chức cơ sở, phát triển đảng để lãnh đạo phong trào. Nhân dân trong vùng kể cả hào lý sớm giác ngộ cách mạng, tham gia các tổ chức Việt Minh, hăng hái ủng hộ vũ khí, tiền bạc cho cách mạng. Ông Phó Căn ủng hộ một cỗ súng máy lấy được khi Pháp bỏ chạy ném xuống đầm. Thầy giáo Nguyễn Lương Thường ủng hộ hơn 500 viên đạn và một số tiền bạc...
Ban cán sự Đảng Phú Yên chú trọng tuyên truyền, bồi dưỡng và kết nạp được Đào Đình Bảng ở xã Linh Thông, huyện Trấn Yên; Nguyễn Hữu Minh ở thị xã Yên Bái; Đặng Bá Lâu và Lê Huy Ấm ở Hiền Lương vào Đảng. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, ngày 6/5/1945 chi bộ Đảng đầu tiên ở khu căn cứ cách mạng được thành lập gồm 3 đảng viên, trong đó đồng chí Ngô Minh Loan là đảng viên chính thức, hai đảng viên dự bị là Đặng Bá Lâu và Lê Huy Ấm. Đồng chí Ngô Minh Loan được bầu làm Bí thư.
Vài ngày sau, chi bộ Đảng ở Đan Thượng cũng được thành lập, đồng chí Trịnh Xuân Tiến làm Bí thư (theo lịch sử Đảng bộ xã Đan Thượng), Ngày 7/5/1945, chi bộ Đảng đầu tiên ở thị xã Yên Bái được thành lập, đồng chí Mai Văn Ty làm Bí thư. Đồng chí Nguyễn Hữu Minh (tức Minh Đăng) là giáo viên trường con gái ở thị xã Yên Bái và Mai Văn Ty ở đề po xe lửa thị xã sớm được đồng chí Nguyễn Duy Thân giác ngộ cách mạng, được Ban cán sự Đảng Phú-Yên kết nạp vào Đảng, đây là những đảng viên đầu tiên ở thị xã Yên Bái. Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Văn Chí được kết nạp vào Đảng. Ban cán sự Phú-Yên đã quyết định thành lập Chi bộ Đảng thị xã Yên Bái - đây là chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Yên Bái.
Những hoạt động của khu căn cứ Vần - Hiền Lương cần có sự chỉ đạo thống nhất. Được sự đồng ý của Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Ngô Minh Loan đã tổ chức hợp nhất ba chi bộ (Chi bộ Hiền Lương, Chi bộ Đan Thượng và Chi bộ thị xã Yên Bái) thành một chi bộ. Đồng chí Ngô Minh Loan được bầu làm Bí thư Chi bộ.
Chi bộ gồm 5 đảng viên chính thức là: Ngô Minh Loan, Đào Đình Bảng, Mai Văn Ty, Nguyễn Hữu Minh, Trần Văn Côn và 3 đảng viên dự bị là: Đặng Bá Lâu, Lê Huy Ấm và Ma Văn Quế. Sự ra đời của Chi bộ Khu căn cứ Vần-Hiền Lương đánh dấu một sự kiện trọng đại - khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.
Từ đây, khu căn cứ Vần-Hiền Lương trở thành chiến khu cách mạng. Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ chuẩn y cho khu căn cứ Vần-Hiền Lương thành lập lực lượng vũ trang, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 14/5/1945, Đội du kích Âu Cơ được thành lập và ra mắt trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng nhân dân thuộc các làng Linh Thông, Tiểu Phạm, Nang Sa, Hiền Lương, Động Lâm, Quân Khê, Vần… tại chùa Hiền Lương. Với 33 đội viên đầu tiên, được trang bị 11 khẩu súng, 5.000 viên đạn và các loại vũ khí khác.
Tuy trang bị vũ khí, vật chất còn hạn chế nhưng các chiến sĩ ngày đêm luyện tập với tinh thần hết sức phấn khởi. Chỉ sau một thời gian ngắn, Đội du kích Âu Cơ đã phát triển lên trên 100 đội viên, phiên chế thành 4 trung đội do đồng chí Ngô Minh Loan trực tiếp chỉ huy.
Cũng trong tháng 5, đồng chí Bình Phương được Xứ ủy phân công trở lại Hiền Lương làm Đội trưởng Đội du kích Âu Cơ, đồng chí Ngô Minh Loan làm Chính trị viên. Hưởng ứng chủ trương của Đảng, ngày 13/6/1945, Đội du kích Âu Cơ đã xuất quân tập dượt bằng thuyền ngược ngòi Vần vào phá kho thóc ở Vân Hội với hàng trăm tấn chia cho dân, giải quyết kịp thời nạn đói.
Sau chiến thắng phá kho thóc của địch, uy tín, ảnh hưởng của Đội du kích Âu Cơ ngày càng lớn mạnh, làm cho bọn Nhật ở thị xã Yên Bái rất lo lắng. Ngày 19 tháng 6 năm 1945, một toán lính bảo an gồm 50 tên do Tri phủ Trấn Yên và Quản Khoát cầm đầu kéo vào Vần đóng quân ở nhà ông Chánh tổng Trần Đình Khánh. Nhận được tin báo của quần chúng, Đội du kích Âu Cơ đã chủ động vạch kế hoạch tấn công do Trương Ngọc Lạc và Hoàng Long phụ trách.
Rạng sáng 20/6, Đội du kích nổ súng thị uy khiến quân địch hoảng sợ chạy toán loạn lên rừng. Ta thuyết hàng, buộc chúng phải thực hiện các yêu sách của ta. Thất bại của bọn tay sai khiến phát xít Nhật ở Yên Bái rất cay cú nên quyết định tổ chức 1 trung đội gồm 20 lính Nhật và bảo an kéo vào căn cứ hòng tiêu diệt lực lượng du kích.
Trước tình hình đó, Đội du kích họp bàn phán đoán chúng sẽ kéo quân ra Hiền Lương bằng thuyền. Các chiến sĩ du kích tổ chức mai phục ở gò Cây Vải bên bờ ngòi Vần chờ đoàn thuyền của địch đến quân ta nổ súng. Đồng chí Ngô Minh Loan trực tiếp chỉ huy: 4 tên Nhật - trong đó có tên quan hai chết chìm dưới ngòi Vần. Chúng bắt dân đi chợ về xuống vớt xác những tên chết đưa về sân trường Động Lâm thiêu rồi mang tro cốt về Yên Bái. Thế là trong một thời gian rất ngắn, Đội du kích Âu Cơ đã lập được những chiến công vang dội làm nức lòng nhân dân.
Ngày 30/6/1945, Ban cán sự Đảng, Đội du kích Âu Cơ tổ chức cuộc mít tinh mừng chiến thắng để khuếch trương uy tín của lực lượng vũ trang, tại đình làng Hiền Lương với đông đảo quần chúng nhân dân, các đoàn thể tổ chức Việt Minh cùng các hào lý trong vùng tham dự.
Tại cuộc mít tinh này, đồng chí Ngô Minh Loan đã chính thức công bố quyết định của Xứ ủy Bắc Kỳ thành lập lại Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú-Yên gồm 4 đồng chí: Ngô Minh Loan được cử làm Bí thư; Bình Phương - Ủy viên phụ trách quân sự; Lê Quang Ấn - Ủy viên, phụ trách phong trào Phú Thọ; đồng chí Trần Quang Bình là Ủy viên.
Tại đây, Ban cán sự liên tỉnh Phú-Yên đã quyết định thành lập "Ủy ban Giải phóng”. Nhiệm vụ của "Ủy ban Giải phóng” là trực tiếp lãnh đạo các trung đội vũ trang của chiến khu kết hợp với quần chúng nhân dân tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập các UBND cách mạng lâm thời.
Ngày 15/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng. Tuy chưa nhận được tin tổng khởi nghĩa, nhưng thấy quân Nhật ở thị xã Yên Bái hoang mang, đêm 16 rạng 17/8, quân giải phóng đã vượt sông sang đánh chiếm thị xã. Ngày 19/8, quân Nhật ký đầu hàng Việt Minh vô điều kiện. Ngày 22/8, ta tổ chức cuộc mít tinh lớn ở sân Căng, hàng ngàn người tham dự tràn ra cả vườn hoa Nhà kèn chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công.
Đảng bộ tỉnh Yên Bái quyết định lấy ngày 30/6/1945 - ngày đồng chí Ngô Minh Loan chính thức công bố quyết định của Xứ ủy Bắc Kỳ thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú-Yên tại cuộc mít tinh mừng chiến thắng ở đình Hiền Lương làm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái mà các đảng viên đầu tiên của Đảng bộ là Đào Đình Bảng, Minh Đăng, Mai Văn Ty, Nguyễn Văn Chí… Chi bộ thị xã Yên Bái là chi bộ đầu tiên của Đảng bộ.
Từ những đảng viên đầu tiên ấy, đến nay, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã lớn mạnh không ngừng với trên 60.000 đảng viên, từ chi bộ đầu tiên ở thị xã Yên Bái, đến nay, tất cả các thôn bản từ vùng thấp đến vùng cao đều có đảng viên và chi bộ đảng lãnh đạo.
77 năm qua, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã trưởng thành cả về tư tưởng, tổ chức và trở thành nhân tố quan trọng nhất quyết định mọi thắng lợi của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đảng bộ đang khơi dậy và cùng nhân dân các dân tộc thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc (theo NQ Đại hội XIII của Đảng) xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” (NQ Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX).
Nguồn: Báo Yên Bái