Bạn đang ở đây

“Hội nghị Diên Hồng” cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

31/07/2018 10:41:12

Đầu tư vào nông nghiệp gặp khó

Tính đến hết tháng 6/2018, cả nước ước có khoảng 49.600 doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước. Các DN đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm, chiếm 32,5% lao động của toàn bộ DN.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành nông nghiệp Việt Nam còn phát triển thiếu bền vững, đầu tư thấp, ứng dụng khoa học công nghệ chậm, sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định. Chưa kể DN còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai, tín dụng, các chính sách thuế, phí chưa hợp lý, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp chậm phát triển, nhận lực nông nghiệp yếu, thủ tục hành chính còn phiền hà, gây cản trở cho DN đầu tư vào lĩnh vực này.

dua san pham nong nghiep viet nam len vi tri hang dau the gioi
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, lĩnh vực nông nghiệp sẽ không thể phát triển bền vững nếu không tập trung tái cấu trúc ngành, lĩnh vực, sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường trong nước và thế giới, gắn với điều kiện phát triển của từng vùng, từng địa phương gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Nhắc lại các phản ánh của DN nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngoài những khó khăn về tài chính, quy hoạch, thuế…, ngành nông nghiệp Việt Nam còn gặp trở ngại trong việc tiếp cận thị trường tiêu thụ, chưa dự báo phân tích thị trường về sản lượng và giá bán; đặc biệt khả năng hợp tác của nông dân còn yếu, sản xuất nhỏ lẻ, hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa phát triển.

dua san pham nong nghiep viet nam len vi tri hang dau the gioi
Sự kiện được xem như “Hội nghị Diên Hồng” cho các DN đầu tư vào nông nghiệp

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đã đến lúc cần có đánh giá toàn diện về đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Với một số số liệu nói trên về lĩnh vực nông nghiệp thì rất cần nhiều chính sách và đầu tư để tạo gam màu sáng hơn cho toàn cảnh bức tranh nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới bởi nông nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển.

Đi tìm giải phát phát triển ngành nông nghiệp thời gian tới, Vộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất, Việt Nam cần rà soát các thủ tục hành chính lĩnh vực nông nghiệp, sao cho cắt giảm 40 – 50% thủ tục hành chính so với hiện nay; rà soát tránh chồng chéo trong quản lý, kiểm tra không để tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị; nhanh chóng có giải pháp tạo quỹ đất, xây dựng thí điểm các mô hình tích tụ tập trung đất đai cho nông nghiệp đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước - người nông dân và các DN; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và kinh doanh trong nông nghiệp như giống cây trồng, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, chuỗi thực phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc…

Cần "cú huých" về chính sách

dua san pham nong nghiep viet nam len vi tri hang dau the gioi
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên Chinh phủ thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm địa phương trong khuôn khổ hội nghị

Đại diện các hiệp hội, DN, các nhà đầu tư đánh giá cao việc Chính phủ tổ chức hội nghị này và sự kiện được xem như “Hội nghị Diên Hồng” cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn đặt vấn đề và yêu cầu Chính phủ có thêm chính sách khuyến khích dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận vốn; lấy DN là nòng cốt, nông dân là chủ thể và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao; hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; thúc đẩy phát triển các hợp tác xã để tạo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nhà nước trao quyền cho thị trường nhiều hơn, Chính phủ chỉ đóng vai trò kiến tạo, tức là tạo điều kiện và hỗ trợ chứ không làm thay vai trò thị trường. Cộng đồng DN, doanh nhân cần phát huy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, đạo đức kinh doanh, xây dựng văn hóa DN; say mê hơn nữa với nghề để thúc đẩy thành công.

Đối với ngành cà phê, theo ông Lương Văn Tự – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vifoca) - thách thức lớn nhất của ngành cà phê hiện nay là biến đổi khí hậu, cây cà phê già cỗi chưa kịp thay, hộ nông dân nhỏ và vừa yếu cả về tài chính lẫn kỹ thuật, nhiều cây trồng khác đang cạnh tranh với diện tích cây cà phê. Để nâng giá trị xuất khẩu cà phê lên hơn 6 tỉ đô la Mỹ trong thời gian tới, ngành cà phê cần nâng diện tích cà phê tái canh, nâng giá trị chế biến bằng chương trình hỗ trợ vốn trung hạn và dài hạn cho chế biến cà phê hòa tan vốn có thời gian thu hồi vốn chậm; xây dựng thương hiệu quốc gia cho cà phê Việt; xúc tiến xuất khẩu cà phê hòa tan và cà phê rang xây của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Bà Thái Hương - Chủ tịch TH True Milk - ví von: "Việt Nam đủ điều kiện để làm một bếp ăn tử tế cho thế giới, nhưng trước hết hãy làm một bếp ăn tử tế cho người Việt". Cần sớm có bộ chính sách cho một chuỗi giá trị sản phẩm trọn gói từ đồng cỏ đến bàn ăn sử dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, công nghệ sinh học tích hợp lại tạo giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Những đề xuất nói trên của Chủ tịch TH True Milk Việt Nam cũng là đòi hỏi từ nhiều doanh nghiệp ngành nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Cùng mạch suy nghĩ, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan - kiến nghị, để tăng hiệu quả ngành nông nghiệp, nhà nước cần khuyến khích và ban hành cơ chế phù hợp thúc đẩy quá trình tích hợp chuỗi giá trị từ nuôi trồng đến chế biến, nâng cao giá trị cho nông sản, xây dựng thương hiệu nông nghiệp quốc gia để cạnh tranh quốc tế. Bên cạnh đó, cần tạo hành lang pháp lý nhằm khai mở các nguồn vốn đầu tư thay vì chỉ giới hạn ở việc tài trợ vốn ngân hàng cho hộ kinh doanh cá thể như lâu nay.

Theo ông Nguyễn Đăng Quang, quỹ đất cho nông nghiệp đang giảm dần nên để tăng hiệu suất trồng trọt chăn nuôi với quy mô lớn thì nhà nước cần xây dựng chính sách quản lý và phát triển tài nguyên mặt nước biển gần bờ, bởi Việt Nam có bờ biển dài vốn là tài nguyên lớn cần có chiến lược khai thác theo hướng nuôi trồng bền vững.

dua san pham nong nghiep viet nam len vi tri hang dau the gioi
Ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - phát biểu

Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức lớn gồm: chuỗi giá trị nông nghiệp đang phân tán, rời rạc; đầu tư nước ngoài trong nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ; giá trị đầu tư vào toàn nông nghiệp cũng còn hạn chế.

Gợi ý một số giải pháp thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết, Chính phủ phải đóng vai trò tích cực để tăng cường chính sách và đối thoại để có chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài và nông nghiệp rõ ràng; tạo niềm tin để doanh nghiệp duy trì hoạt động đầu tư nông nghiệp; hỗ trợ phát triển liên kết giữa các hoạt động đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân địa phương; có biện pháp để giảm chi phí thương mại...

Chung sức đưa nông nghiệp Việt ra thế giới

dua san pham nong nghiep viet nam len vi tri hang dau the gioi
Thủ tướng đánh giá cao công nghệ nông nghiệp được doanh nghiệp trưng bày tại hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến phát biểu để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh, việc hoàn thiện thể chế chính sách trong lĩnh vực này là yêu cầu cấp bách khi mà nông nghiệp còn dư địa phát triển rất lớn. Nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam, từ các lĩnh vực như bất động sản chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp là xu hướng đáng mừng, thể hiện tiềm năng phát triển của nông nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa ban hành tháng 4/2018. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 57 để các DN có cơ sở được thụ hưởng ngay các chính sách ưu đãi của Chính phủ.

Bộ Công Thương hoàn thiện sửa đổi Nghị định 159 về xuất khẩu gạo, nhằm đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho DN trong xuất khẩu gạo với tinh thần chung là tạo mọi điều kiện cho thương mại, nhất là xuất nhập khẩu. Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng mức cho vay tối đa, không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình; mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; cho phép tài sản hình thành từ vốn vay của các dự án, phương án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực làm tài sản bảo đảm…

Nhấn mạnh nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội, có thể khai thác, nhất là trong cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng đề nghị, Chính phủ và cộng đồng DN cần chung sức để đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản.

Nguồn: Báo Công thương