Giá trị giảm gần 16%
Theo Cục Chế biến và Phát triển thủy sản Việt Nam (Bộ NN&PTNT): 2 tháng đầu năm nay, XK thủy sản đạt 932 triệu USD, giảm tới 15,9% so với cùng kỳ năm 2019. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc là 4 thị trường NK hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2020, chiếm 54,9% tổng giá trị XK.
XK thủy sản sẽ tiếp tục đối diện nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: ST |
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến XK nông sản ở Việt Nam nói chung và thủy sản nói riêng. XK thủy sản sang các thị trường đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong đó thị trường có giá trị XK sụt giảm mạnh nhất là Trung Quốc. Cụ thể, kim ngạch XK thủy sản sang Nhật Bản chiếm 18,02% tổng kim ngạch XK, giảm 28,16% so với cùng kỳ năm 2019; Mỹ chiếm 17,62%, giảm 26,34%; Hàn Quốc chiếm 10,27%, giảm 31,53%; Trung Quốc chiếm 8,94%, giảm tới 43,48%.
Bộ NN&PTNT đánh giá, thời gian tới ngành nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng sẽ phải đối mặt không ít khó khăn, điển hình là tác động biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ảnh hưởng tới nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, “thẻ vàng” với hải sản XK do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra chưa được gỡ bỏ… Dự báo thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 sẽ tác động lớn đến XK thủy sản, nhất là đối với thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh những gam màu ảm đạm, theo Bộ NN&PTNT, các yếu tố như thời tiết trên biển tương đối thuận lợi, giá nhiên liệu giảm; các ưu đãi của Hiệp định Đối tác toàn diện và Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) và FTA Việt Nam-EU (EVFTA); mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm; kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm trên cá tra và các sản phẩm cá da trơn (Silurifomes) do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố là cơ sở thuận lợi giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam cạnh tranh hơn.
Với riêng Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực ngay trong tháng 7/2020, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh thêm: FTA này mở ra cơ hội lớn cho XK thủy sản Việt Nam sang thị trường EU. Theo cam kết trong Hiệp định, khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 840 dòng thuế suất cơ sở, chiếm khoảng 50% số dòng thuế đối với sản phẩm thủy sản sẽ giảm về 0%; số còn lại có lộ trình cắt giảm từ 3 -7 năm.
Ưu tiên dùng hàng đông lạnh
Xung quanh câu chuyện XK thủy sản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: Dịch Covid-19 đang lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường XK thủy sản lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Ý… Điều này sẽ có những tác động nhất định đến triển vọng XK thủy sản trong thời gian tới. Đáng chú ý dự báo, xu hướng tiêu dùng và nhập thủy sản tại những thị trường chịu tác động của dịch Covid-19 sẽ có những thay đổi. Cụ thể, NK thủy sản đông lạnh, tiện dụng, dễ chế biến tại nhà sẽ cao hơn thủy sản tươi sống. Những sản phẩm thủy sản đóng hộp cũng sẽ được ưa chuộng.
Đứng từ góc độ đại diện DN XK, đặc biệt là XK mặt hàng thủy sản chủ lực cá tra, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp Hội Cá tra Việt Nam nhấn mạnh: “ Dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và hiện xảy ra tại nhiều quốc gia chưa biết khi nào mới chấm dứt. Tác động của dịch bệnh này tới hoạt động XK thủy sản sang Trung Quốc khá rõ nét. Tôi đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm có biện pháp hỗ trợ về chính sách, về vốn vay, lãi suất… cho DN. Như vậy, các DN mới có thể yên tâm sản xuất, vượt qua khó khăn kinh tế trong cơn đại dịch”.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn ngành thủy sản vẫn đặt mục tiêu chung cho năm 2020 là phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đạt 8,5 triệu tấn; giá trị XK các mặt hàng thủy sản khoảng 10 tỷ USD. Đại diện Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, thời gian tới toàn ngành sẽ tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững; theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp để khai thác có hiệu quả. Bộ NN&PTNT cũng sẽ chỉ đạo các địa phương hướng dẫn ngư dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức khai thác theo tổ, đội để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác; nghiên cứu đề xuất xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản.
“ Xây dựng quy trình đầy đủ về công tác xác nhận và chứng nhận thủy sản khai thác trước khi XK; phối hợp hoàn thiện hệ thống chứng nhận điện tử để kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá như cấp phép khai thác với công tác chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy trình kiểm tra, kiểm soát tàu cá, sản lượng bốc dỡ qua cảng theo yêu cầu của EC, chuẩn bị tốt nội dung để làm việc với Đoàn Thanh tra của EC đánh giá tiến độ thực hiện các khuyến nghị lần thứ 2 (cuối tháng 5) cũng là những nội dung quan trọng trong thời gian tới”, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh.
Tổng giá trị thủy sản NK 2 tháng đầu năm đạt 255 triệu USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn NK thủy sản trong tháng 1/2020 chủ yếu là từ Ấn Độ (chiếm tỷ trọng 20,2%), Nauy (14,5%), Indonesia (12,4%), Trung Quốc (10,6%) và Nhật Bản (9,5%). So với cùng kỳ năm 2019, giá trị NK thủy sản của Việt Nam từ thị trường lớn nhất là Ấn Độ tăng 15,5%, Nhật Bản tăng 2,4%, trong khi NK thủy sản từ các thị trường Nauy, Indonesia và Trung Quốc giảm lần lượt 26,2%, 10% và 30,5%. Nguồn: báo Công thương |