Sáng 28/5, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Sở Công Thương Hà Nội và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đồng phối hợp tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020” và trưng bày sản giới thiệu sản phẩm hàng quy mô 50 gian hàng tại vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm). Đây được đánh giá là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch Covid- 19.
Hội nghị thu hút sự tham gia của 200 doanh nghiệp công nghiệp chủ lực, sản xuất hàng tiêu dùng, vườn ươm, khởi nghiệp sáng tạo, thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm, du lịch, dịch vụ, bảo hiểm, ngân hàng, doanh nghiệp của các hiệp hội, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố và các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong nỗ lực giảm thiểu ảnh hưởng từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, triển khai các giải pháp khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hội nghị "Kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020" là một trong những hoạt động nhằm khôi phục phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng nội địa.
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các địa phương và các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại của nước ngoài tại Việt Nam gặp gỡ, kết nối tiêu thụ hàng Việt trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng được các tổ chức quốc tế định hướng, hỗ trợ thông tin,thị trường mới, thị trường có khả năng giúp doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ.
Lãnh đạo thành phố thăm quan gian hàng tại khu trưng bày sản giới thiệu sản phẩm tại vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) |
Hà Nội hiện có 284.484 doanh nghiệp và mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước (gồm 26 trung tâm thương mại, 145 siêu thị, 455 chợ, khoảng 1.400 cửa hàng tiện lợi, 768 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 65 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm…). Với dân số 10,3 triệu người dân đang sinh sống, học tập làm việc trên địa bàn, có thể nói Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, có khả năng tập trung, đưa luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu, có nhiều cơ hội hợp tác, giao thương để phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm bền vững và bình ổn thị trường.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid- 19 đã khiến thương mại hàng hóa thế giới nói chung và thương mại hàng hóa của Việt Nam và Hà Nội nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ông Vũ Bá Phú– Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương)- cho hay, thị trường thương mại Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ từ vòng xoáy tác động này. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính đạt 293,9 nghìn tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 4/2020 sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong khu vực và trên thế giới đang làm thị trường xuất khẩu của Việt Nam đều bị sụt giảm nhiều so với tháng trước. Trong đó, thị trường ASEAN giảm 20% so với tháng 3/2020; Trung Quốc giảm 2,9%; Nhật Bản giảm 9,3%, Hàn Quốc giảm 13,7%, EU giảm 28,6%, Hoa Kỳ giảm 24,1%....
Để nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình hình bình thường mới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục XTTM phối hợp với các địa phương triển khai ngay các hoat động XTTM trong bối cảnh gián đoạn các thị trường xuất khẩu do dịch Covid- 19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới trong khi ở Việt Nam đã được kiểm soát nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai tác tối đa thị trường nội địa, trước mắt là hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nông sản khắc phục khó khăn về thị trường tiêu thụ, về lâu dài, hỗ trợ doanh nghiệp tạo chỗ đứng vững chắc, xây dựng uy tín trên thị trường nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trước các đối thủ quốc tế vẫn luôn coi Việt Nam là thị trường hấp dẫn, đầy tiềm năng. Song song với mục tiêu hỗ trợ kết nối tiêu thụ thị trường nội địa, Hội nghị cũng cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài.
Toàn cảnh Hội nghị |
Hiện, Cục Xúc tiến Thương mại đã và đang phối hợp với các địa phương, tổ chức xúc tiến thương mại, các cơ quan thương vụ nước ngoài tại Việt Nam và cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài triển khai nhiều hoạt động hội nghị giao thương trực tuyến với các đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Singapore. “Chúng tôi hy vọng các hoạt động sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực của ngành Công Thương, khôi phục, thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại trong tình hình mới”, ông Vũ Bá Phú nói.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đã diễn ra lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác với mục tiêu cụ thể hóa, tăng cường mối liên kết trong việc kết nối, khai thác, tiêu thụ và xuất khẩu hàng Việt giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp phân phối và xuất khẩu, qua đó, góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Nguồn: Báo Công thương