Nghị trường cuối tuần của Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội nóng với nhiều câu chuyện quốc kế dân sinh trong phần thảo luận về kinh tế xã hội. Dĩ nhiên có cả câu chuyện thịt lợn với phần trả lời của đích thân tư lệnh ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường được Quốc hội mời phát biểu trong phiên họp buổi chiều ngày 13/6/2020 là thông tin được nhiều đại biểu Quốc hội cùng cử tri cả nước mong đợi.
Những giải pháp liên quan đến thịt lợn- trước hết là bình ổn giá- là câu chuyện nằm trong số những điều được nhiều đại biểu quan tâm.
Trong phần phát biểu của mình tại phiên họp, dù đã được chủ tọa linh hoạt kéo dài thời gian lên đến 18 phút thay vì 10 phút như quy định, câu chuyện thịt lợn được Bộ trưởng dẫn dụ từ thị trường thế giới rồi về đến Trung Quốc. Có vẻ như hơi “xa đề” nên chủ tọa phiên họp là Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phải nhắc Bộ trưởng Cường là tình hình thì Quốc hội nắm được rồi, giờ là lúc để Bộ trưởng nêu giải pháp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm rõ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận kinh tế xã hội chiều 13/6/2020 |
3 giải pháp sau đó được Bộ trưởng Cường nêu ra là sẽ vẫn phải tái đàn (quan điểm của Bộ trưởng Cường là tuy đẩy nhanh nhưng rất cần bảo đảm an toàn), khuyến cáo lựa chọn đa dạng thực phẩm và kiểm soát không để trục lợi và tăng giá.
“Khi cung gặp cầu thì ắt là giá thịt lợn phải giảm”, Bộ trưởng Cường nêu quan điểm tuy nhiên ông cũng không thể đưa ra một mốc thời gian cụ thể cho việc này.
Trong đó giải pháp lựa chọn đa dạng thực phẩm được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dành nhiều thời gian phân tích. Cứ như phân tích của Bộ trưởng thì sao dân mình cứ mãi phải ăn thịt lợn mà không chuyển sang thịt gà, cá, trứng. “Những thực phẩm này cũng đều của nông dân ta làm ra cả mà. San sẻ thực phẩm ra vừa bổ dưỡng, tốt cho cơ thể lại vừa không gây áp lực lên một ngành hàng”, Bộ trưởng Cường phát biểu.
Câu chuyện san sẻ thực phẩm này như một giải pháp giảm áp lực cho mặt hàng thịt lợn từ phía ngành Nông nghiệp nêu ra không phải là mới và cũng đã được nêu ra nhiều lần. Nhưng việc nó lại xuất hiện ở ngay tại diễn đàn Quốc hội có thể gợi cho thấy một câu chuyện rằng nếu như giải pháp đó được đề cập bởi một chuyên gia thì có thể nó không là vấn đề. Song khi nó lại được đích thân một tư lệnh ngành đề cập thì phải chăng nó mang màu sắc của tính tình thế?
Chính ngành nông nghiệp cũng đã nhận ra rằng việc thay đổi một thói quen sử dụng thực phẩm là điều cực kỳ không đơn giản. Người Việt có thói quen ăn thịt lợn “nóng” nên khi ngành Nông nghiệp xoay sang giải pháp nhập khẩu thịt lợn đông lạnh để góp phần kéo giá thịt lợn xuống thì chính giải pháp này cũng không thành công. Nay bằng giải pháp “tương kế tựu kế”, giải pháp nhập khẩu lợn sống vừa để tái đàn, vừa để giết mổ rồi áp ngay cho thị trường đang được thực hiện.
Có lẽ cũng không yên tâm với các giải pháp bình ổn thị trường thịt lợn nên trong khi Bộ trưởng Cường đang phát biểu, đại biểu Thái Trường Giang –đoàn Cà Mau đã giơ biển xin tranh luận. Đại biểu Giang sau đó tuy bày tỏ sự chia sẻ với những giải pháp mà ngành nông nghiệp “áp” trong thời gian qua song cho rằng, giá thịt lợn vẫn cao chính là do các giải pháp này vẫn mang tính hành chính, tình thế mà ít có hiệu quả.
“Không thể nói thịt lợn đắt chuyển qua thực phẩm khác là xong. Đề nghị Bộ trưởng xem lại các giải pháp đã thực hiện”, đại biểu Giang nói.
Câu chuyện “hạ hỏa” thị trường thịt lợn như vậy có thể nói còn chưa có hồi kết.
Nguồn: Báo Công thương