Mặc dù không còn tình trạng “đội giá” khẩu trang như trước, song vẫn còn một số đối tượng “núp bóng” doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh khẩu trang giả mạo nhãn mác, thậm chí tái chế găng tay y tế đã qua sử dụng để bán ra thị trường.
Theo cơ quan chức năng, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại nhiều nước trên thế giới nên nhu cầu về các sản phẩm y tế rất cao. Trong đó, sản phẩm găng tay y tế thường xuyên bị thiếu hàng, một số nhà máy sản xuất găng tay y tế còn quá tải đơn hàng, không đủ sản phẩm để bán. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng đã “phù phép” găng tay đã qua sử dụng, tái chế thành sản phẩm mới để tung ra thị trường kiếm lời. Thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) liên tiếp triệt phá thành công hàng loạt vụ tái chế găng tay “bẩn” và khẩu trang giả, không đảm bảo chất lượng.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm |
Điển hình, ngày 24/8, Cục QLTT tỉnh Bình Dương phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện 1 tụ điểm phân loại, sơ chế găng tay y tế tại khu dân cư vắng người thuộc xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Tụ điểm này có chứa trên 47 tấn nguyên liệu, thành phẩm găng tay y tế cùng nhiều hàng hóa khác. Trong đó, có hơn 36 tấn găng tay y tế phế phẩm đã qua sử dụng, một số đã phân loại, đang đóng thùng quy cách 5kg/thùng và một số chưa phân loại có dấu hiệu đã qua sử dụng; 156.000 chiếc găng tay y tế đã tái chế, đóng vào 156 thùng carton hoàn chỉnh, không ghi nhãn hàng hóa, chuẩn bị xuất bán; khoảng 11 tấn găng tay y tế, quần áo bảo hộ phòng dịch đã qua sử dụng là rác thải y tế có chứa tác nhân lây nhiễm; 127 túi xách không ghi nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhiều tang vật khác là nguyên liệu để tái chế găng tay y tế.
Trước đó, lực lượng QLTT tỉnh Bình Dương cũng phát hiện hơn 2,1 triệu găng tay y tế thành phẩm được tái chế từ găng tay đã qua sử dụng. Lô găng tay này chứa trong các kiện hàng đã đóng gói và ghi nhãn hoàn toàn bằng chữ nước ngoài, chuẩn bị đi tiêu thụ.
Không chỉ “phù phép” găng tay đã qua sử dụng biến thành mới, một số đối tượng còn tổ chức sản xuất, kinh doanh găng tay y tế giả các thương hiệu nổi tiếng, với số lượng lớn để xuất khẩu ra nước ngoài. Đáng nói là các găng tay này đều đã qua sử dụng. Mới đây, Công an TP. Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây sản xuất găng tay y tế giả quy mô lớn. Trong kho này chứa 50 tấn găng tay kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; 3,7 tấn găng tay đã qua phân loại; 400 thùng găng tay y tế thành phẩm mang nhãn hiệu V (tương đương 320.000 đôi găng tay)...
Lợi dụng dịch bệnh, một số đối tượng hám tiền, đã bán rẻ lương tâm, tái chế găng tay y tế đã qua sử dụng để kiếm lời, thậm chí còn giả khẩu trang của thương hiệu nổi tiếng để lừa đảo người tiêu dùng. Vừa qua, hơn 150.000 khẩu trang giả mạo nhãn hiệu 3M đã bị lực lượng QLTT phát hiện tại cơ sở sản xuất khẩu trang của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thiết bị Nam Anh (đường Trần Đại Nghĩa, quận Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh).
Có thể nói, hành vi kinh doanh găng tay, khẩu trang giả, kém chất lượng, đã qua sử dụng sẽ dễ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và việc phòng, chống dịch bệnh. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sản xuất, vận chuyển khẩu trang, găng tay không bảo đảm chất lượng, nguồn gốc. Đồng thời, giao Bộ Công Thương, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 9/2020.
Nguồn: Báo Công thương