Thực hiện Thông báo số 264-TB/TW của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thông qua chương trình đưa hàng Việt về nông thôn” tại tỉnh Gia Lai đã có những kết quả nhất định.
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, trước nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã thấy được sức tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nông thôn, miền núi rất lớn. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của mình trong việc đầu tư công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, cải tiến mẫu mã hàng hóa, đổi mới công tác quản lý và phương thức quảng bá thương hiệu để ngày càng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Từ năm 2009 đến nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Gia Lai đã tổ chức 52 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; 3 phiên chợ đưa hàng Việt sang biên giới Việt Nam - Campuchia. Các hoạt động xúc tiến thương mại tổ chức có hiệu quả đã góp phần nâng cao nhận thức trong mọi tầng lớp nhân dân khi tham gia mua sắm và sử dụng hàng Việt Nam.
Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Gia Lai tuyên truyền về chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” |
Mặc dù tại tỉnh Gia Lai, thị trường nông thôn có nhiều tiềm năng với hơn 70% dân số sinh sống nhưng hiện nay chưa thực sự thu hút các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước đưa hàng về. Lý do thị trường này vẫn có doanh số thấp do người dân sống phân tán, sức mua thấp, mạng lưới phân phối tốn kém, chi phí vận chuyển cao…
Ông Bùi Khắc Quang - Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho hay: “Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hưởng ứng nhiệt tình chương trình đưa hàng Việt về nông thôn nên nhiều phiên chợ tổ chức còn hạn chế số lượng doanh nghiệp tham gia. Kinh phí hỗ trợ cho các chương trình này còn thấp, việc phối hợp giữa các cấp chưa thực sự nhịp nhàng và hiệu quả”.
Từ đó, ông Bùi Khắc Quang cho rằng, các doanh nghiệp tham gia cần nghiên cứu thị trường, thực tế nhu cầu người dùng vì các sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu dùng hiện nay chủ yếu vẫn qua hệ thống chợ và cửa hàng bán lẻ.
“Lượng hàng hóa phân phối chủ yếu qua các kênh lớn như siêu thị, cửa hàng tiện lợi chủ yếu tại các thành phố lớn, trong khi hệ thống bán hàng của doanh nghiệp tại nông thôn chưa được chú ý. Do đó, khi chương trình đưa hàng Việt về nông thôn ra đời đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới. Đồng thời tiến hành nghiên cứu, xác định lại thị trường và mẫu mã bao bì, giá cả và chất lượng hàng hóa” - ông Quang chỉ ra một số bất cập.
Theo ông Quang, các doanh nghiệp cần ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa dịch vụ; thực hiện cam kết đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Đồng thời nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam trong thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.