Bạn đang ở đây

Giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh

14/10/2021 09:31:21

Tiếp đà tăng của giá gạo xuất khẩu trong tuần trước, trong phiên giao dịch ngày 12/10, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng từ 5-10 USD/tấn, tùy loại gạo.

Theo thống kê của Oryza, phiên giao dịch ngày 12/10, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tiếp tục thiết lập giá mới sau khi tăng liên tiếp trong tuần trước. Cụ thể, gạo 5% tấm đã tăng 5 USD, lên 438-442 USD/tấn; gạo 25% tăng mạnh 10 USD, lên 413-417 USD/tấn.

Giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh
Các nhà máy gạo tại khu vực phía Nam đã hoạt động lại

Lý giải nguyên nhân giá gạo Việt tăng, một doanh nghiệp có trụ sở tại Long An cho biết, hiện vụ Hè thu đã thu hoạch hết trong khi chính phủ đang tăng lượng dự trữ quốc gia, từ đó kéo giá cả trong nước và xuất khẩu tăng lên.

Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang tích cực khôi phục sản xuất trở lại để đáp ứng tiến độ giao hàng trong 3 tháng còn lại của năm 2021 cũng như nhu cầu từ nhiều thị trường nhập khẩu lớn tại châu Á cho nhu cầu cuối năm.

Được biết, trong tháng 9 cả nước đã xuất khẩu thành công 530.000 tấn gạo, trị giá 261 triệu USD; trong khi tháng 8/2021 xuất khẩu gạo chỉ đạt mức 430.000 tấn và trị giá 211 triệu USD. Tính đến hết tháng 9/2021, theo thống kê từ Bộ Công Thương, Việt Nam đã xuất khẩu đạt 4,516 triệu tấn, trị giá 2,389 tỷ USD, giảm 9,5% về lượng và giảm 2,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Việc xuất khẩu sụt giảm nhẹ là do ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch thứ 4 lan rộng tại khắp các địa phương phía Nam khiến nhiều nhà máy phải tạm ngưng, các cảng cũng hạn chế đóng rút hàng để chấp hành quy định chống dịch.

Tuy nhiên, với việc hoạt động trở lại từ cuối tháng 9/2021, Hiệp hội Lương thực Việt Nam vẫn kỳ vọng năm nay nước ta có thể xuất khẩu được 6-6,2 triệu tấn gạo các loại, với kim ngạch đạt khoảng 3,325 tỷ USD.

Không riêng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng, gần đây giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Ấn Độ cũng tăng trở lại. Hiện gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 384-388 USD/tấn còn Ấn Độ là 368-372 USD/tấn.

Việc giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng, theo Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Gạo Thái (TREA) là do những áp lực nội tại như lũ lụt và hầu hết nhà máy tại nước này giảm công suất hoạt động để đối phó với dịch bệnh Covid-19. Trên thực tế, tình trạng lũ lụt đang ảnh hưởng đến tiến độ vận chuyển lúa gạo từ các nhà máy xay xát đến trung tâm Bangkok. Bên cạnh đó, tin tức đồn đại cũng ghi nhận một thỏa thuận cung cấp 100.000 tấn gạo trắng Thái 5% tấm cho Trung Quốc, thời gian giao hàng có thể rơi vào tháng 11/2021 và đây không phải là giao dịch G2G. Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2021 Thái Lan đã xuất khẩu 3,7 triệu tấn gạo các loại và TREA kỳ vọng con số 6,0 triệu tấn gạo xuất khẩu trong cả năm nhờ nhu cầu những tháng cuối năm lạc quan hơn cũng như đồng bath Thái suy yếu.

Đối với Ấn Độ, phân khúc gạo non-basmati có giá chào gạo trắng các loại tăng nhẹ do các thương nhân hiện đang tập trung hoàn tất các đơn hàng đã ký kết trước đó và tiếp tục giải phóng tồn kho, chuẩn bị cho thời điểm thu hoạch vụ chính vào cuối năm nay.

Có thể thấy, sau nhiều tháng trầm lắng vì căng thẳng dịch bệnh thì tới nay hoạt động thông thương của ngành gạo đã phần nào khởi sắc hơn - điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ bước vào giai đoạn cạnh tranh hơn với các đối thủ xuất khẩu khác. Tuy vậy, theo chia sẻ của ông Phan Văn Có - Giám đốc Công ty TNHH Vrice, hiện giá gạo không phải là yếu tố cạnh tranh chính bởi vấn đề mà các đối tác nhập quan tâm chính là tiến độ và cam kết giao hàng của doanh nghiệp Việt. Từ đó ông Có mong rằng trong hoạch định chính sách, các địa phương cần có sự thống nhất để tránh xảy ra tình trạng “đóng băng” mọi hoạt động như suốt thời gian vừa qua.

Nguồn: Báo Công thương