Theo Bộ Công Thương, dịch Covid-19 đã khiến nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bứt tốc ở nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại điện tử (TMĐT).
Doanh thu tăng
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Công Thương khẳng định, loại hình kinh doanh trực tuyến đã và đang là biện pháp hữu hiệu, khuyến khích phát triển nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, hạn chế tập trung đông người.
Các đơn hàng online tăng vọt trong mùa dịch |
Xuất phát từ nhận thức và quan điểm đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục TMĐT và Kinh tế số phối hợp với các doanh nghiệp (DN) phân phối hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến nhằm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân, nhất là cho các khu vực bị cách ly.
Theo đó, các DN bán lẻ cũng nhanh chóng thích ứng với kinh doanh trong mùa dịch. Nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ như VinMart, Saigon Coop, Big C, Lotte, AEON… cũng đưa nhiều sản phẩm lên mạng hoặc khuyến khích đặt hàng qua điện thoại. Ghi nhận, các đơn hàng online đã tăng gấp nhiều lần so với bình thường, thậm chí còn quá tải, do lượng khách truy cập và đặt đơn hàng cao.
Đại diện lãnh đạo Công ty CP VinID cho biết, số lượng người mua sắm trực tuyến trên VinID trong mùa dịch đã tăng gấp 3 lần so với bình thường. Trong khi đó, tại trang TMĐT SpeedL của Lotte Mart cũng ghi nhận số lượng đơn hàng tăng 150-200% so với ngày thường từ khi dịch Covid -19 bùng phát.
Theo Cục TMĐT và kinh tế số, do lo ngại dịch Covid -19, doanh thu tại các chợ ở Hà Nội giảm 50-80%. Trong khi đó, doanh thu từ mua sắm online qua các sàn TMĐT của một số DN tăng 20-30%.
Những giải pháp lớn
Trong bối cảnh TMĐT phát triển mạnh, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân, trong đó có việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa TMĐT với thương mại truyền thống.
Cụ thể, Cục TMĐT và Kinh tế số đang tập trung xây dựng "Đề án phát triển nền tảng ứng dụng TMĐT" để thúc đẩy liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối.
Trên cơ sở đó, tổ chức triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; dán tem IDEA-blockchain đối với một số mặt hàng nông sản nhằm nâng cao thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu; tiến tới xây dựng giải pháp tổng thể cho hệ thống sàn giao dịch dịch vụ logistics giữa DN dịch vụ logistics và chủ hàng, tạo thuận lợi cho dịch vụ giao hàng gắn với TMĐT.
Bên cạnh đó, hỗ trợ DN ngành Công Thương ứng dụng công nghệ số, hướng tới tăng năng suất quản lý và đẩy mạnh bán hàng; triển khai xây dựng trục kết nối dịch vụ TMĐT… Đặc biệt, trục còn được kết nối với các sàn TMĐT của địa phương nhằm liên kết giới thiệu các sản phẩm thế mạnh; xây dựng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp DN, hộ kinh doanh có thể khởi tạo mã QR Code, kết nối máy in tem truy xuất; xây dựng cổng kết nối sản phẩm xuất khẩu cho hệ thống bán hàng trực tuyến toàn cầu Amazon. Ngoài ra, kết nối với các tập đoàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới để tạo thuận lợi cho DN và người tiêu dùng tiếp cận với TMĐT.
Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh: Nguồn: Báo Công thương |