Chi phí vận chuyển hàng hóa cùng nhiều chi phí đầu vào khác tăng cao và không có dấu hiệu giảm nhiệt đang là bất cập lớn, buộc các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải ứng phó bằng nhiều phương cách khác nhau.
Các hiệp hội, ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam cho biết, giá cước tàu biển và cước thuê container đã tăng kể từ đầu năm nay. Cụ thể, tháng 1/2021, cước tàu đi EU đã tăng từ 145 - 276% (tùy cảng) - tăng lên 7.000 - 10.550 USD/container. Giá cước đi Mỹ, đi Nhật, Trung Đông hay ASEAN đều tăng 2-5 lần, thậm chí 10 lần, tùy lộ trình.
Theo dự đoán của các chuyên gia, tình hình thiếu container rỗng dẫn đến giá cước vận chuyển tăng cao sẽ còn diễn ra cho đến hết quí quý II/2021. Nhiều nhà xuất khẩu cho biết, hiện việc chờ cước container vận tải biển giảm là bất khả thi bởi dịch bệnh vẫn đang tiếp tục gây đứt gãy chuỗi cung toàn cầu, tác động trực tiếp đến lưu thông hàng hóa.
Không riêng cước vận chuyển, gần đây chi phí đầu vào nguyên liệu sản xuất của các ngành hàng như dệt may, rau củ, thủy sản… cũng ghi nhận tăng đáng kể. Điển hình với ngành hàng thủy sản, ghi nhận từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam cho thấy, từ đầu năm 2021, nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ cho hoạt động của các nhà máy chế biến thủy sản tăng chóng mặt như: giá găng tay cao su, nhựa trong tăng 8%-9%; băng keo tăng 15%, bao bì để đóng gói tăng từ 7-11%; một số mặt hàng hóa chất CaCl2, ôxy viên... trong vòng 3 tháng đã tăng 3,6 - 25%.
Doanh nghiệp xuất khẩu “gồng mình” chống chọi với làn sóng tăng giá |
Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice - cho biết: Gần đây, chi phí cho mỗi container 20 feet của chúng tôi đã tăng 6 lần so với giữa năm ngoái, trong khi đó giá xuất khẩu lại có chiều hướng giảm vì phải cạnh tranh với những quốc gia khác, dẫn tới doanh nghiệp phải chịu lỗ.
Theo phân tích của ông Có, nếu các đơn hàng giao dịch giá CNF - người bán đang lỗ rất nặng (ở mức từ 1.000-2.000 USD/cont). Còn các đơn hàng bán với giá FOB thì nhà nhập khẩu lại chưa nhận hàng, dẫn đến tình trạng giao hàng trì hoãn và doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí lưu kho. “Hiện tại chúng tôi không ký thêm hợp đồng mới để hạn chế thu mua nguyên liệu vào thời điểm này. Đối với các hợp đồng đã ký kết trước đó chúng tôi vẫn giao hàng đúng cam kết nhưng phải chấp nhận lỗ” - ông Có cho biết thêm.
Giống như Vrice, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đang sản xuất, đóng gói lô hàng hơn 11.000 tấn gạo theo hợp đồng mới trúng thầu gần đây qua Hàn Quốc. Tuy nhiên nếu chỉ tính riêng cước phí container thì doanh nghiệp này đang phải trả thêm 40 USD/tấn gạo. Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Trung An - cho biết, với tình hình căng thẳng hiện nay công ty đang chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ chân đối tác.
Cũng chọn cách chấp nhận giảm lợi nhuận, đại diện Công ty CP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM) lý giải rằng, các đơn hàng xuất khẩu đều được ký trước vài tháng nhưng việc đàm phán tăng giá xuất khẩu với đối tác là rất khó nên doanh nghiệp buộc phải chọn phương án này. Ngoài phương án trên, TCM cũng thực hiện tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh bán hàng, cụ thể là phát triển một sàn thương mại điện tử để bán hàng thời trang và triển khai bán hàng trên Amazon.
Với lĩnh vực xuất khẩu rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - chia sẻ, khi cước tàu biển tăng cao gấp 5-10 lần so với trước dịch đã đội chi phí hàng hóa rau quả, nhất là rau quả tươi tăng lên. Đó là chưa kể việc vận chuyển kéo dài thời gian, gây hư hại và ảnh hưởng chất lượng sản phẩm.
Để ứng phó, theo ông Nguyên gần đây các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu rau quả đã chọn giải pháp đầu tư thêm các nhà máy chế biến sâu. “Theo ghi nhận của chúng tôi đã có nhiều dự án đầu tư chế biến được khởi công, đưa vào hoạt động trong thời gian qua. Ngoài ra, cũng có nhiều doanh nghiệp tiết lộ với chúng tôi kế hoạch sẽ mở rộng công suất nhà máy đang hiện hữu để xoay trục kinh doanh - thay vì xuất khẩu tươi như trước đây” - ông Nguyên cho biết thêm.
Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản và thương mại Thuận Phước:
Chúng tôi ước tính giá trị xuất khẩu năm nay sẽ tăng ít nhất 30% so với năm 2020 do nhu cầu thị trường tôm gần đây phục hồi mạnh. Tuy vậy doanh nghiệp phải đối mặt với làn sóng tăng giá nguyên liệu cũng như cước vận tải biển nên chúng tôi đã rà soát lại hoạt động sản xuất để tối ưu hóa chi phí theo hướng cắt giảm chi phí không cần thiết, đồng thời huy động tăng tối đa công suất hoạt động của nhà máy. Nguồn: Báo Công thương |