Bạn đang ở đây

Doanh nghiệp phải làm gì để tận dụng hiệu quả các lợi thế ưu đãi từ các FTA

11/09/2018 10:29:48

Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng tổ chức mới đây tại Đà Nẵng.

Doanh nghiệp chưa “mặn mà” với FTA, vì sao?

Theo Tiến sĩ Uwe Kaufmann, doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang đứng trước rất nhiều cơ hội và lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) từ cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cơ hội tiếp cận các công nghệ mới, cơ hội tiếp cận thị trường với thương mại xuyên biên giới, đặc biệt là những ưu đãi thuế quan….

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được đầy đủ các cơ hội từ các FTA này mang lại. Theo thống kê của cục Xuất nhập khẩu- Bộ Công Thương, mới chỉ có khoảng 35% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tận dụng các ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Tiến sĩ Uwe Kaufmann cho rằng, một nguyên nhân rất lớn đó là doanh nghiệp chưa dành nhiều sự quan tâm tìm hiểu đến các ưu đãi từ các FTA, rất nhiều doanh nghiệp không biết đến sự tồn tại của các FTA, tách biệt các FTA với hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là về quy tắc xuất xứ, xin C/O. Bên cạnh đó, do những điều khoản nhiều và phức tạp, một số doanh nghiệp ngại việc phải tìm hiểu các quy tắc mà từng FTA quy định. Phần nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sang hơn 1 thị trường quốc tế, và để tận dụng được ưu đãi, tùy mỗi thị trường doanh nghiệp phải tìm hiểu 1 FTA đi liền. Chưa tính đến cùng 1 thị trường nhưng tham gia nhiều FTA.

Phải làm gì để tận dụng hiệu quả ưu đãi từ các FTA?

Khẳng định việc tự do hóa thương mại là xu hướng phát triển tất yếu của kinh tế thế giới trong bối cảnh hội nhập, tiến sĩ Uwe Kaufmann đã đưa ra những khuyến nghị, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả ưu đãi từ các FTA.

Theo đó, Tiến sĩ Uwe Kaufmann, quá trình thương mại quốc tế như những miếng xếp hình. Tham gia sân chơi lớn này, muốn thành công doanh nghiệp cần gắn kết các miếng xếp hình rời rạc lại với nhau và đúng theo vị trí của nó.

Trước tiên, bản thân doanh nghiệp phải tự nhìn nhận về mình, về sản phẩm của mình như thế nào, có điểm mạnh, ưu thế nào, sẽ hướng đến xuất khẩu vào thị trường nào và đối tác cụ thể nào?

Tự bản thân các doanh nghiệp phải thực hiện một cuộc khảo sát toàn diện nội bộ công ty mình trước khi quyết định đầu tư vào các bước tiếp theo.

Cần thẳng thắn nhìn nhận về năng lực sản xuất và đáp ứng các yêu cầu của quốc gia sở tại và đối tác yêu cầu, luôn phải tự hỏi: Tôi có khả năng hay không? Tôi có sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn hay không? Tôi có thể đảm bảo cung cấp sản lượng theo yêu cầu hoặc biến động theo thị trường quốc gia nhập khẩu và đối tác hay không. Từ đó, tìm ra “chỗ đứng” hiện tại của doanh nghiệp và vị trí của sản phẩm của mình trong thị trường. “Bất kỳ một dòng sản phẩm nào đều có rất nhiều yếu tố cạnh tranh. Nhưng doanh nghiệp vẫn có thể tìm được chỗ đứng của mình nhờ điểm mạnh nhất định trong sản phẩm của mình. Việc của doanh nghiệp là phải xác định được yếu tố đó.”

doanh nghiep phai lam gi de tan dung hieu qua cac loi the uu dai tu cac fta
Doanh nghiệp cần tập trung vào quy tắc xuất xứ, inconterms, HS code và các điều khoản phi thuế quan để tối đa hóa lợi ích của FTA

Doanh nghiệp cần tập trung vào quy tắc xuất xứ - một khía cạnh quan trọng của tận dụng ưu đãi FTA. Quy tắc xuất xứ (ROO) là yếu tố để xác định hàng hóa của doanh nghiệp có thuộc diện được ưu đãi thương mại hay không, bao gồm ưu đãi thuế quan, phi thuế quan… Đây cũng là yếu tố phục vụ thực thi các biện pháp hoặc công cụ thương mại như chống bán phá giá, biện pháp tự vệ thương mại…. Cũng chính vì liên quan đến mức độ ưu đãi thuế quan dành cho doanh nghiệp FTA so với doanh nghiệp không tham gia FTA vì vậy nó làm phát sinh những điều khoản, quy định kéo theo việc doanh nghiệp phải gánh thêm các giấy tờ và có phát sinh thêm chi phí kế toán. Quy tắc xuất xứ hiện đều dựa trên 2 tiêu chí xác định nguồn gốc hàng hóa: tiêu chí xuất xứ thuần túy (Wholly Obtained) và tiêu chí chuyển đổi cơ bản (Substantial Transformation).

Hãy đặc biệt lưu ý đến inconterms – những điều khoản thương mại quốc tế. Nhiều doanh nghiệp ít dành sự quan tâm của mình để tìm hiểu kỹ về inconterms. Cần dành nhiều thời gian để nghiên cứu và cùng đưa ra inconterms với đối tác đảm bảo doanh nghiệp nắm vững từng điều khoản trong hợp đồng đó. “Nếu không hiểu hoặc có những inconterms sai thì doanh nghiệp sẽ phải trả giá rất đắt. Inconterms giúp doanh nghiệp hạn chế được các rủi ro. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam không quan tâm đến inconterms khi thương lượng, thảo luận với đối tác, miễn sao ký được hợp đồng. Đây là lỗi sai rất nghiêm trọng. ”, tiến sĩ Uwe Kaufmann nhấn mạnh.

Trong quá trình thương mại quốc tế, doanh nghiệp phải nắm được mã HS (mã số trong hệ thống hài hòa ) của mình. Mã HS giúp doanh nghiệp liên kết, tiếp cận thị trường mà doanh nghiệp muốn xâm nhập. Trong FTA, nếu sản phẩm không có mã HS sản phẩm sẽ không hưởng được các ưu đãi thuế quan từ FTA đó mặc dù sản phẩm đó trên thực tế đủ các điều kiện để hưởng ưu đãi.

Nếu muốn tối đa hóa lợi ích của FTA, doanh nghiệp phải hiểu rõ về HS code (Mã số thuế quan hài hòa). Mã số sản phẩm quy chuẩn quốc tế, được phân loại sản phẩm ra các cấp số như 2 số,4, 6, 8 số, mã số càng nhiều thì thông tin miêu tả về sản phẩm càng cụ thể hơn và ưu đãi thuế quan cũng lớn hơn.

Sau khi có mã HS cho sản phẩm, có thể xác định lưu lượng dòng chảy sản phẩm của thị trường, từ đó xác định được nhu cầu thị trường và cụ thể là sản phẩm của mình. Tiếp theo, tiến hành các bước tiếp cận thị trường gồm tìm hiểu những quy tắc xuất nhập khẩu của thị trường trong nước và thị trường mới, từ đó, tìm kiếm cách nào tiếp cận ưu đãi.

Điều doanh nghiệp lưu ý cuối cùng đó là những yêu cầu phi thuế quan. Hãy đặt câu hỏi, liệu doanh nghiệp có đáp ứng được các yêu cầu phi thuế quan về thương mại tại nước sở tại yêu cầu hay không? Tiến sĩ Uwe Kaufmann gợi ý doanh nghiệp có thể tìm kiếm đối tác tại quốc gia nhập khẩu hỗ trợ để đáp ứng các yêu cầu này.

Tại hội thảo, tiến sĩ Uwe Kaufmann cũng giới thiệu và hướng dẫn các doanh nghiệp các công cụ tra cứu hiệu quả cho doanh nghiệp để tìm kiếm thị trường mới, gồm các công cụ thương mại trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp tra cứu nhu cầu từng thị trường đối với từng sản phẩm, tra cứu thuế quan và các rào cản phi thuế quan, và tra cứu các tiêu chuẩn/quy định nhập khẩu khác của các nước đối tác. Tiêu biểu như Các công cụ phân tích thị trường của ITC: Trademap (tra cứu các số liệu xuất nhập khẩu để xác định nhu cầu thị trường), Market Access Map (tra cứu thuế quan, bao gồm cả thuế MFN và thuế theo các FTA giữa các nước áp dụng với từng sản phẩm cụ thể), Investment Map (tra cứu số liệu FDI)…; WTO’s Tariff Analysis Online: tra cứu thuế quan cam kết theo WTO và các FTA, và thuế quan thực tế áp dụng đối với từng sản phẩm; UN Comtrade Database: Cơ sở dữ liệu lớn cung cấp các số liệu và phân tích thương mại; World Development Indicators: Bộ dữ liệu tổng hợp về các chỉ số phát triển, bao gồm cả Thương mại, Kinh tế, Môi trường, Xã hội…..

Nguồn: Báo Công thương