Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU tổng giá trị hàng hoá đạt giá trị trên 16 tỷ USD, trong đó nhóm hàng chủ lực là dệt may, giày dép. Tuy nhiên, cùng với việc khan hiếm nguyên liệu đầu vào và các biện pháp hạn chế giao thương nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 nên những ngành sản xuất xuất khẩu này chắc chắn sẽ chịu áp lực lớn, thậm chí sẽ chịu sự sụt giảm mạnh về kim ngạch trong thời gian tới nếu không có những giải pháp hữu hiệu, kịp thời.
Nguyên liệu đầu vào và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 10,26 tỷ USD, tăng tới 25,7%, trong khi kim ngạch tại thị trường EU chỉ đạt 5,89 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, trong 2 tháng qua, Mỹ và EU vẫn chiếm tới 41,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (trong đó Mỹ chiếm 26,3%).
Nếu 30% công nhân thiếu việc làm trong tháng 4/2020 và 50% công nhân thiếu việc làm trong tháng 5/2020 thì khả năng ngành Dệt may sẽ tổn thất tới 5 nghìn tỷ đồng (Ảnh minh hoạ) |
Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, bên cạnh các mặt hàng có kim ngạch lớn, như: điện tử và linh kiện, đồ gỗ… thì các sản phẩm dệt may, giày dép… là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ và EU, trong đó, Mỹ tiếp tục thể hiện sự “áp đảo” về kim ngạch với kim ngạch riêng nhóm hàng dệt may của Việt Nam đạt 2,25 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 47,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Trong khi đó, thị trường EU tiêu thụ 570 triệu USD, tăng nhẹ 0,3%, đứng vị trí thứ hai.
Về tình hình nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất xuất khẩu nói chung trong 2 tháng đầu năm, theo tổng hợp của Tổng cục Hải quan thấy, thị trường nhập khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là: Hàn Quốc với trị giá 3,06 tỷ USD, tăng 5,4%; Trung Quốc với 1,61 tỷ USD, giảm nhẹ 0,6%; Đài Loan với trị giá đạt 936 triệu USD, tăng 25,7%; Nhật Bản với trị giá 851 triệu USD, tăng 39,2%; đứng thứ 5 là Hoa Kỳ với 726 triệu USD, tăng 32,5%...
Riêng nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày các loại nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu từ các thị trường: Trung Quốc với trị giá 1,24 tỷ USD, giảm 16,7%; Hàn Quốc với 389 triệu USD, giảm 11,9%; Đài Loan đạt trị giá 334 triệu USD, giảm nhẹ 0,4%; Mỹ với 287 triệu USD, giảm 3,9%...
Đáng chú ý, theo dữ liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan (trong 15 ngày đầu tháng 3), các nhóm hàng nhập khẩu chủ chốt là nguyên liệu đầu vào của 2 lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu quan trọng nêu trên tiếp tục sụt giảm về kim ngạch so với cùng kỳ 2019. Cụ thể, các nhóm nguyên liệu đầu vào quan trọng được cơ quan Hải quan thống kê, gồm: Bông; xơ, sợi dệt; vải; nguyên phụ liệu dệt may, giày, dép có kim ngạch từ 100 đến vài trăm triệu USD/tháng. Trong đó lớn nhất là nhóm hàng vải với trị giá 444,5 triệu USD kim ngạch nhập khẩu chỉ trong 15 ngày đầu tháng 3, qua đó nâng tổng kim ngạch từ đầu năm lên hơn 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ 2019 thì kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này bị sụt giảm tới 12%, tương đương 270 triệu USD. Và lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3, 3 nhóm hàng còn lại cũng ở tình trạng tương tự. Cụ thể, nguyên phụ liệu dệt may, giày, dép đạt 967,3 triệu USD giảm gần 8%; bông đạt 494 triệu USD giảm khoảng 15%; xơ, sợi dệt đạt 423,8 triệu USD, giảm khoảng 6%.
Những giải pháp giúp ngành dệt may vượt khó
Nói về những khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành dệt may trong một cuộc họp gần đây của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn này cho biết, từ trung tuần tháng 3/2020, liên tiếp có các đơn hàng bị hủy, dừng hoặc tạm dừng, dấn đến khả năng nhiều đơn vị trong Vinatex sẽ thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5/2020.
Trong khi đó, dù thị trường Trung Quốc đã hoạt động trở lại song do nhu cầu thị trường thấp sẽ dẫn tới một đợt giảm giá mạnh toàn cầu, dự kiến giá giảm trên 20%, càng tạo áp lực, cả về tài chính và lao động, đối với các doanh nghiệp Dệt may Việt Nam trong thời gian tới.
Con số thiệt hại về tài chính đối với ngành dệt may được đưa ra lên tới trên 5 nghìn tỷ đồng nếu 30% công nhân thiếu việc làm trong tháng 4/2020 và 50% công nhân thiếu việc làm trong tháng 5/2020.
Và nếu giả thiết khách hàng hủy 20% đơn hàng thì sẽ toàn ngành có 300 triệu USD vật tư đã nhập về nhưng không được sử dụng, trở thành hàng tồn kho khó luân chuyển và tiếp tục gây tổn thất về kinh tế cho toàn ngành.
Do đó, để hạn chế khó khăn, giảm tổn thất, Vinatex đã đưa ra giải pháp cho các đơn vị thành viên ở thời điểm này, cụ thể, các đơn vị chủ động tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu sản phẩm phòng dịch, như: khẩu trang, quần áo y tế dùng vải kháng khuẩn, quần áo dùng một lần từ vải không dệt… Đồng thời, trên cơ sở thảo luận thống nhất với người lao động trên tinh thần cùng chia sẻ khá khăn chung, các đơn vị áp dụng chế độ làm việc linh hoạt, giảm giờ làm, làm việc luân phiên để vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Tiết giảm chi phí, hoãn đầu tư, giảm lương khối gián tiếp tương ứng với số công nhân trực tiếp, đồng thời kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành cho phép xuất khẩu khẩu trang, trang phục phòng dịch ngay trong tháng 3/2020; miễn, giảm, giãn các khoản thuế, tiền thuê đất; có chính sách sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động thiếu việc làm; các ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại cho ân hạn các khoản phải trả dài hạn đến hạn năm 2020, kéo dài thời gian khoản nợ ngắn hạn lên 11 tháng, không giảm hạn mức, không chuyển loại nợ, cho vay trả lương cho đối tượng bị thiếu việc… cũng là những kiến nghị được Tập đoàn Dệt may đưa ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành ứng phó với những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Được biết, Ban Lãnh đạo Vinatex đã quyết định thành lập 5 nhóm công tác để nhanh chóng triển khai các giải pháp được Tập đoàn đưa ra, với tinh thần tập trung cao, xử lý quyết liệt, động viên và thông tin kịp thời cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động nhằm giữ ổn định sản xuất, vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.
Nguồn: báo Công thương