Trước đó, con số dự kiến được công bố sau 10 tháng là 5,39 tỷ USD. Đây cũng là con số rất cao so với mặt bằng chung của nhiều năm nay.
Xuất siêu xác lập kỷ lục mới sau 10 tháng |
Cụ thể, trong tháng 10, cả nước xuất khẩu gần 22,531 tỷ USD, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu hết tháng 10 lên 202,026 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ 2017.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 10 đạt gần 21,8 tỷ USD, qua đó nâng tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu cả nước lên 194,82 tỷ USD.
Chỉ riêng tháng 10, có tới 5 nhóm hàng xuất khẩu thu từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó dẫn đầu là điện thoại và linh kiện với kim ngạch 4,746 tỷ USD, nâng kim ngạch hết tháng 10 lên 41,435 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ USD khác trong tháng 10 là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch 2,835 tỷ USD; dệt may với kim ngạch 2,732 tỷ USD; máy móc thiết bị 1,503 tỷ USD; giày dép 1,382 tỷ USD.
Với trị giá kim ngạch và tốc độ tăng trưởng 10 tháng qua, nhiều khả năng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cả nước sẽ vượt 240 tỷ USD - con số kỷ lục của năm 2017 và cũng là con số cao nhất từ trước đến nay.
Cán cân thương mại từ năm 2016 đến nay luôn duy trì thặng dư. Mức thặng dư thương mại trong năm 2016, 2017 lần lượt là 1,78 tỷ USD và 2,11 tỷ USD. 9 tháng năm 2018, cán cân thương mại thặng dư với mức xuất siêu đạt hơn 7,2 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay.
Việc kiểm soát tốt cán cân thương mại đã góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ và giảm áp lực tăng tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Cùng với tốc độ tăng trưởng cao của xuất khẩu, các mặt hàng cần nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng nhiên liệu, nguyên phụ liệu, bán thành phẩm phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là dệt may và công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm tới 89% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tỷ trọng nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 6,5% tổng kim ngạch nhập khẩu. Đây là dấu hiệu cho thấy sản xuất trong nước cũng đang phục hồi mạnh mẽ.
Nguồn: Báo Công thương