Bạn đang ở đây

Đà Nẵng: Thúc đẩy xuất khẩu qua thương mại điện tử

02/07/2021 08:48:23

Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới trở thành một phương thức hữu hiệu để các doanh nghiệp Việt Nam mở lối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp Đà Nẵng phải xây dựng được chiến lược xuất khẩu trực tuyến để thích ứng, cũng như tận dụng được các cơ hội mà TMĐT mang lại.

TMĐT mở lối cho doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Tại Hội thảo trực tuyến “Thúc đẩy xuất khẩu cho doanh nghiệp Đà Nẵng qua thương mại điện tử với Amazon” do Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Sở Công Thương Đà Nẵng phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 29/6, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT & Kinh tế số cho biết, TMĐT đã có bước phát triển nhanh chóng trong trong thời gian qua và trở thành một phương thức hữu hiệu để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam mở lối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đà Nẵng: Thúc đẩy xuất khẩu qua thương mại điện tử
Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT & Kinh tế số - cho rằng, TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho các doanh nghiệp Đà Nẵng mở rộng thị trường

Theo ông Hải, bất chấp những khó khăn và thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, TMĐT năm 2020 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc. Có tới 53% dân số Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến. Năm 2020, TMĐT Việt Nam tăng 18% về quy mô, thị trường và đạt 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa. Việt Nam dự kiến sẽ có 50,9 triệu người vào năm 2021, so với 43,8 triệu người vào năm 2017; và là một trong những nước đầu tiên trên thế giới tiên phong sử dụng mạng 5G và dự kiến sẽ phổ biến vào năm 2023 - 2024, mở ra cơ hội trải nghiệm mua sắm trực tuyến mới mẻ cho người tiêu dùng.

Doanh thu TMĐT B2C (Business to Customer) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho các DN mở rộng thị trường. Trong năm 2020, TMĐT xuyên biên giới cũng đã trở thành một phương thức hữu hiệu để các DN Việt Nam mở lối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm thiểu rủi ro do chuỗi cung ứng truyền thống bị đứt đoạn hoặc đình trệ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, để hàng hóa Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng kết nối với thị trường toàn cầu, ngoài giải pháp của các cơ quan quản lý, mấu chốt là các DN phải thực sự vào cuộc thích ứng với xu hướng kinh doanh xuất nhập khẩu trực tuyến.

Hiện có nhiều DN Việt Nam đang bán hàng trên các sàn TMĐT xuyên biên giới. Theo số liệu từ Amazon Global Selling Việt Nam, hiện nay đã có hàng nghìn DN Việt Nam đưa hàng qua kênh TMĐT này với doanh thu năm 2020 vượt 1 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2019.

Doanh nghiệp phải chủ động thích ứng với xuất khẩu trực tuyến

Xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng trên toàn cầu đã có sự thay đổi rõ rệt theo sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, cùng với biến động do dịch Covid-19 gây ra. Trong đó, TMĐT trở thành xu thế kinh doanh của thương mại toàn cầu.

Đà Nẵng: Thúc đẩy xuất khẩu qua thương mại điện tử
Hiện đã có hàng nghìn sản phẩm của Việt Nam đang xuất khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới

Việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành phương án để các nhà sản xuất, kinh doanh tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu, nhất là trong bối cảnh thói quen mua sắm đang có sự chuyển biến mạnh mẽ từ mua hàng truyền thống sang mua hàng trực tuyến.

Khảo sát của Amazon Global Selling đối với người tiêu dùng Hoa Kỳ cho biết, kết quả 75% người tiêu dùng tin dùng nhà bán lẻ mới; 36% người tiêu dùng sẽ sẵn sàng thử nhãn hiệu mới. Đây là cơ hội rất lớn để các sản phẩm Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung tìm kiếm và tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng - cho biết, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của thành phố. Mặc dù vậy nhờ các giải pháp hỗ trợ DN từ chính quyền, đặc biệt là sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng DN, kim ngạch xuất khẩu của TP. Đà Nẵng năm 2020 đạt gần 1,6 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn hơn 805 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ 2020.

Yếu điểm của DN xuất khẩu Đà Nẵng đó là phần lớn có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh và vốn hạn chế, vì vậy, việc tiếp cận với chuỗi cung ứng và người tiêu dùng toàn cầu cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới kỳ vọng sẽ giúp DN Đà Nẵng khắc phục được những khó khăn này, từ đó có thể mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo bà Nguyễn Phương Trinh - Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam, DN Đà Nẵng muốn thúc đẩy thương mại xuyên biên giới phải xây dựng được chiến lược xuất khẩu trực tuyến. Trong đó, lưu ý lựa chọn danh mục sản phẩm phù hợp, tối ưu hóa vận hành với dịch vụ quy trình bán hàng (FBA); lên kế hoạch quảng cáo linh hoạt; xây dựng thương hiệu tầm quốc tế.

Đại diện Amazon Global Selling Việt Nam đưa ra khuyến nghị cho DN xuất khẩu Đà Nẵng muốn tận dụng được TMĐT xuyên biên giới cần phải “bán cái người ta cần chứ không phải bán cái mình có”; cùng với đó, khi thực hiện TMĐT xuyên biên giới, bản thân DN phải luôn trong trạng thái chuẩn bị đầy đủ mọi thủ tục hồ sơ hàng hóa, đặc biệt là các chứng chỉ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để đảm bảo hàng hóa không gặp sự cố về thủ tục trong quá trình giao nhận.

“TP. Đà Nẵng hiện mới chỉ có rất ít DN đã lên sàn Amazon, nhưng số lượng đơn hàng của đơn vị đã lên sàn có xu hướng tăng mạnh mẽ”, bà Trinh cho hay.

Nguồn: Báo Công thương