Theo ý kiến chỉ đạo của UBND Đà Nẵng, các ngành, địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, siết chặt tất cả các khâu từ việc nhập lợn ngoài tỉnh vào thành phố để giết mổ, đến quá trình giết mổ và bán thịt tại các chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thịt, đảm bảo không xảy ra dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, lực lượng thú y của Chi cục Chăn nuôi và thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tăng cường phối hợp với lực lượng Công an thành phố trực 24/24 giờ hàng ngày tại 2 trạm kiểm dịch động vật Kim Liên và Hòa Phước để kiểm tra chặt chẽ và phun thuốc khử trùng tiêu độc tất cả các xe chở lợn và động vật từ các tỉnh thành khác đi qua địa phận Đà Nẵng, cũng như nhập vào thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, còn có các đội cơ động kiểm tra việc lưu thông động vật và sản phẩm động vật nhập vào thành phố.
Đà Nẵng sử dụng nhiều biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi vào thành phố |
Đà Nẵng là địa phương duy nhất trong cả nước thực hiện thành công việc giết mổ gia súc tập trung: tất cả lợn, bò đều thực hiện giết mổ tại 8 cơ sở giết mổ tập trung đã được cấp phép (nghiêm cấm việc giết mổ heo, trâu bò nhỏ lẻ tại gia đình và các cơ sở khác chưa được cấp phép) do đó vấn đề kiểm soát trong quá trình giết mổ heo và động vật khác dễ dàng hơn và thuận lợi hơn. Được biết, nguồn lợn đưa vào giết mổ tại 8 cơ sở giết mổ tập trung nêu trên hầu hết có nguồn gốc từ các tỉnh phía Nam, như: Bình Định, Quảng Nam, … và chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Các địa phương này trong thời gian qua và hiện nay vẫn chưa có ổ dịch tả lợn châu Phi do đó nguồn thực phẩm được đảm bảo.
Tuy nhiên, tránh trường hợp chủ quan, UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y - Ban quản lý An toàn thực phẩm đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở công thương và UBND các quận, huyện thành lập các đoàn kiểm tra và đã tiến hành kiểm tra việc buôn bán thịt lợn tại các chợ, siêu thị, cơ sở phân phối thịt lợn, kiểm tra tại các cơ sở giết mổ để kiểm tra chặt chẽ từ khâu nuôi nhốt, trong quá trình giết mổ thịt nhằm đảm bảo nguồn thịt đưa ra thị trường an toàn thực phẩm.
Theo thông báo từ Ban quản lý An toàn thực phẩm, dịch tả lợn châu Phi chỉ gây bệnh ở lợn, không gây bệnh cho con người, mặt khác công tác kiểm soát, phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố đã được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm ngặt, đến nay trên địa bàn thành phố và các tỉnh cung cấp lợn cho thành phố để giết thịt chưa xảy ra ổ dịch lợn châu Phi. Do vậy, Ban quản lý An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân yên tâm tiêu dùng thịt lợn bình thường, không nên quay lưng tẩy chay thịt lợn; người dân mua thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng và đã được cơ quan thú y kiểm tra, như: mua thịt lợn phải có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y và tại các quầy hàng cố định trong chợ đảm bảo vệ sinh.
Nguồn: Báo Công thương