Khi nói đến cuộc chiến thương mại, có nhiều hơn hai nước liên quan vì có sự giằng co phức tạp theo nhiều chiều hướng. Tổn thất của Trung Quốc sẽ là lợi ích của một nước khác, ví như đó là ASEAN. Tổn thất của Mỹ cũng là lợi ích của nước khác, đó là Châu Âu. Đó là nhận định của nhà phân tích Khanna, tác giả cuốn “Tương lai thuộc về Châu Á” đồng thời là diễn giả tại Hội nghị Đầu tư Châu Á tại Hồng Kong được tổ chức ngày 19/3 vừa qua.
Ảnh minh họa |
Theo phân tích đó, có khoảng 1,6 nghìn tỷ USD giá trị thương mại hiện đang diễn ra giữa Liên minh Châu Âu và Châu Á- vượt xa giao dịch của Mỹ với bất kể khu vực nào. Và giá trị này dự kiến sẽ tăng lên 2,5 nghìn tỷ USD trong một thập kỷ tới. Trong bối cảnh đó, chính quyền Trump đã tìm kiếm sự có đi có lại trong thương mại với Trung Quốc, nhưng châu Âu mới là đối thủ cạnh tranh về địa kinh tế của Mỹ.
Nếu Mỹ và châu Âu cùng tiếng nói về sự mở cửa của Trung Quốc, nhưng chỉ có châu Âu đạt được các thỏa thuận thương mại tự do trên khắp châu Á thì lợi ích sẽ diễn ra như thế nào? Chính quyền Trump đã áp thuế đối với gần một nửa giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khi tìm cách ép Bắc Kinh tiếp tục mở cửa thị trường và giải quyết các vấn đề lâu dài về thương mại, bao gồm cả việc chia sẻ công nghệ của các công ty nước ngoài muốn hoạt động ở Trung Quốc. Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã lên kế hoạch tiếp tục đàm phán tại Washington vào tháng 4 tới với hy vọng đạt được thỏa thuận về thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và ủng hộ theo đuổi các hiệp định thương mại tự do với từng quốc gia theo cách tiếp cận song phương. Bằng cách không tham gia TPP, Mỹ có nguy cơ vô tình bị chia cắt khỏi trung tâm trọng lực Á-Âu trong thương mại toàn cầu. Chuyên gia phân tích rằng nước giành chiến thắng trong địa chính trị không có nghĩa là sẽ chiến thắng về địa kinh tế. Không có quốc gia nào hoàn toàn tự cung tự cấp mà phải giao dịch nhiều hơn với các nước khác.
Trong khi đó, Trung Quốc – cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc - đang tự nguyện dịch chuyển một số ngành sản xuất sang các khu vực khác của châu Á khi nước này phải đối mặt với chi phí lao động tăng cao và tìm cách thâm nhập tốt hơn vào các thị trường đang phát triển nhanh ở Đông Nam Á. Đây là lợi ích riêng của Châu Á. Các nhà đầu tư lớn nhất ở ASEAN là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Châu Á đang thúc đẩy sự thay đổi này. Đây là lợi ích của các nước để giảm chi phí và tiếp cận tốt hơn với những thị trường đang phát triển nhanh. Đó là lý do tại sao các đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc lại chủ yếu là các nước láng giềng của nước này.
Nguồn: báo Công thương