Bạn đang ở đây

Cung vượt cầu, giá cà phê nội địa giảm sâu 13:00 | 06/08/2019

09/08/2019 14:08:12

Xuất khẩu giảm mạnh cả lượng và giá trị

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- NN&PTNT), xuất khẩu cà phê tháng 7/2019 ước đạt 157 nghìn tấn với giá trị đạt 253 triệu USD, lũy kế xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu năm ước đạt 1,08 triệu tấn và 1,82 tỷ USD, giảm 8,2% về khối lượng và giảm 19,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

6 tháng đầu năm, Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 13,7% và 9,4%. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm đạt 1.706 USD/tấn, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2018.

cung vuot cau gia ca phe noi dia giam sau
Khuyến khích nông dân sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ

Tại thị trường trong nước, giá cà phê cũng giảm so với tháng 6/2019, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 200 – 400 đồng/kg xuống còn 32.700 - 33.800 đồng/kg. Hiện, giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm 500 đồng/kg dao động trong khoảng 31.900 - 32.800 đồng/kg. Trong đó, giá cà phê cao nhất ghi nhận tại Đăk Lăk, thấp nhất tại Lâm Đồng. Giá cà phê quanh cảng TP. Hồ Chí Minh giảm 31 USD/tấn xuống 1.377 USD/tấn.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) - cho hay, trên thị trường thế giới, trong tháng 7, giá cà phê biến động giảm. Đầu tháng 7, giá sàn Robusta tại London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham chiếu vẫn còn giao dịch ở khu vực 1.490 USD/tấn. Từ ngày 15 đến 17/7 đã giảm gần 100 USD mỗi tấn. Giá cà phê giảm do áp lực bán hàng vụ mới tiếp tục đè nặng các thị trường cà phê kỳ hạn và tác động lên thị trường trong nước.

Thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, thị trường cà phê toàn cầu trong thời gian tới sẽ vẫn gặp khó khăn do nguồn cung vượt nhu cầu. Theo dữ liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường IHS Markit, tiêu thụ cà phê toàn cầu được dự báo sẽ tăng 1,8% trong năm nay, nhưng mức tăng này chưa đủ hỗ trợ thị trường cà phê thế giới. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang sẽ gây bất lợi lên giá các mặt hàng nông sản thời gian tới, trong đó có cà phê.

Đồng quan điểm về vấn đề này, theo ông Stefan Uhlenbrock - một nhà phân tích hàng hóa cao cấp tại IHS Markit - mặc dù mức tiêu thụ cà phê toàn cầu đang tăng, nhưng thật khó để tăng giá vào thời điểm này. Sự gia tăng trong nhu cầu là rất nhỏ và sự dư thừa cà phê trong những tháng tới có khả năng sẽ duy trì mức giá thấp hiện tại.

Lạc quan hơn, ông Nguyễn Quốc Toản phân tích, sự kháng giá hiện hành tại thị trường nội địa của các nước xuất khẩu sẽ sớm kéo giá cà phê trong nước và thế giới ra khỏi vùng giá thấp. Tuy vậy, áp lực bán cà phê Robusta từ Brazil vẫn lớn sẽ gây sức ép đáng kể cho giá cà phê trên thị trường London. Tại thị trường trong nước, do lượng tồn kho không nhiều nên người giữ hàng có tâm lý kỳ vọng giá cà phê nội địa sẽ tăng lên mức 35 - 36 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, do lượng cà phê Việt Nam còn ít nên mức độ ảnh hưởng lên giá kỳ hạn tại sàn London rất hạn chế.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, trong dài hạn, chất lượng sẽ là yếu tố quyết định lên giá cà phê, do đó cần có chính sách giúp đỡ và thúc đẩy nông dân sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, đồng thời xây dựng và quảng bá thương hiệu của từng địa phương đến các thị trường trên thế giới.

Theo báo cáo tháng 6/2019 của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), mặc dù có sự gia tăng nhập khẩu cà phê toàn cầu trong 6 tháng đầu năm, nhưng không theo kịp tốc độ tăng trưởng sản xuất trong hai năm qua.

Nguồn: Báo Công thương