Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 270 làng nghề truyền thống với nhiều nhóm nghề như gốm sứ, dệt may, điêu khắc, mây tre đan... Các làng nghề đã thu hút hàng vạn lao động thời vụ, tạo việc làm thường xuyên và là nguồn thu nhập chính của hàng nghìn gia đình.
Nhờ đầu tư công nghệ, nhiều sản phẩm của làng nghề Hà Nội đã có tính cạnh tranh cao |
Năm 2020, Hà Nội phấn đấu nâng tỷ trọng sản xuất làng nghề chiếm khoảng 8,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; tiến hành xử lý ô nhiễm môi trường cho 50 làng nghề; tạo việc làm ổn định từ 800.000 - 1 triệu lao động nông thôn, với thu nhập bình quân đạt từ 35 - 40 triệu đồng/năm…
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương Hà Nội, hầu hết cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố có quy mô nhỏ, đa phần chưa có khả năng đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ. Vì vậy, sản phẩm sản xuất ra chưa có sức cạnh tranh, gây ô nhiễm môi trường lớn.
Trước thực tế đó, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động khuyến công thiết thực, trong đó, đáng chú ý là chương trình hỗ trợ cơ sở ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất.
Từ năm 2009 đến nay, thành phố đã hỗ trợ hơn 100 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới máy móc, công nghệ. Riêng năm 2019, thông qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, thành phố tiếp tục hỗ trợ 15 cơ sở sản xuất, với kinh phí gần 5 tỷ đồng. Hoạt động này nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư dây chuyền, thiết bị sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm bảo vệ môi trường…
Là cơ sở được hỗ trợ một phần kinh phí, thông qua đề án hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, giữa năm 2019, cơ sở sản xuất Trung Kiên - hộ sản xuất miến lớn nhất xã Minh Khai đã quyết định đầu tư dàn máy sấy với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Nhờ đó, miến không phải phơi ngoài trời mà được sấy tự động, năng suất cao gấp 3 lần so với trước, sản phẩm sạch, chất lượng tốt hơn.
Còn tại xã Vân Hà (huyện Ðông Anh) có hơn 80% số hộ dân làm nghề gỗ, trước đây, hầu hết các hộ đều sử dụng máy điêu khắc bán tự động thế hệ cũ, hiệu suất thấp. Trước tình trạng này, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp, thương mại tổng hợp, dịch vụ làng nghề Vân Hà đầu tư máy công nghệ cao điêu khắc tượng gỗ tự động. Với máy móc mới, chỉ cần bấm nút, máy tự động đục tất cả chi tiết của sản phẩm.
Ông Đào Hồng Thái - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội – đánh giá, do có sự khảo sát, chọn lựa kỹ lưỡng các đối tượng thụ hưởng, trong đó, ưu tiên các đề án có quy mô và sức lan tỏa lớn… các đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất hầu hết đều phát huy được hiệu quả. Cùng với chính sách hỗ trợ của thành phố, các hiệp hội làng nghề, hộ sản xuất, DN đã chủ động quan tâm, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị trong sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm ô nhiễm môi trường.
Các làng nghề của Hà Nội luôn được khuyến khích, hỗ trợ bằng các chính sách gắn với hai “trụ cột” là: Chương trình về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” và Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” TP. Hà Nội đến năm 2020. Nguồn: Báo Công thương |