Chính sách chưa sát thực tế
Ngày 24/2/2011, Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển CNHT; tiếp đó, ngày 3/11/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT với nhiều ưu đãi choDN CNHT. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện cho thấy, các chính sách trên vẫn chưa đủ mạnh, không đáp ứng yêu cầu thực tế, đặc biệt là những thách thức trước các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia...
Cụ thể, Quyết số 12/2011/QĐ-TTg nêu rõ: Chủ đầu tư xây dựng dự án theo quy định hiện hành, trong đó, đề xuất cụ thể cơ chế ưu đãi thích hợp, trình hội đồng thẩm định dự án phát triển CNHT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Do vậy, từ khâu hình thành ý tưởng sản phẩm, lập dự án đến khâu thẩm định dự án của các cơ quan có thẩm quyền và đến khâu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chấp thuận dự án… sẽ mất rất nhiều thời gian, qua rất nhiều công đoạn… Vì vậy, DN không mặn mà với các ưu đãi này.
Bên cạnh đó, các chính sách chỉ tập chung chủ yếu vào hỗ trợ tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập DN, hướng dẫn để DN tiếp cận nguồn vốn... nhưng lại thiếu quy định tạo sự gắn kết giữa DN và cơ quan nhà nước liên quan. Ví dụ, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại rất ngại cho DN CNHT vay vốn do hầu hết DN còn non trẻ, chưa thuyết minh được tính hiệu quả của các dự án. Ngoài ra, dù chính sách về đất đai đã cởi mở, thông thoáng hơn nhưng thủ tục hành chính còn phức tạp, nếu không muốn nói là nhiêu khê. Theo đại diện của một DN, họ đã phải mất hơn 2 năm để chuẩn bị hàng chục loại giấy tờ thuê đất, xây dựng nhà máy. Việc này gây mất nhiều chi phí, thời gian.
Rõ ràng, những khó khăn trên đã làm mất cơ hội kinh doanh, làm chùn bước DN nói chung, DN CNHT nói riêng. Và thực tế đã chứng minh, với những quy định tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg, chỉ có duy nhất Công ty TNHH Kyocera Việt Nam tại Khu công nghiệp Thăng Long II, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên – chuyên sản xuất sản phẩm linh kiện dán bề mặt (SMD), linh kiện gốm điện tử, thiết bị viễn thông… nhận được hỗ trợ từ chính sách gồm: Miễn, giảm thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư.
Và hệ quả, đến nay, CNHT của Việt Nam cơ bản vẫn do các DN FDI dẫn dắt với gần 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam do khu vực kinh tế này tạo ra. Trong khi đó, với DN CNHT trong nước, chậm phát triển, thiếu vốn, trình độ khoa học -công nghệ, trình độ quản lý còn lạc hậu; nguyên phụ liệu cho quá trình sản xuất chủ yếu vẫn phải nhập khẩu, dung lượng thị trường nhỏ bé, chưa có sản phẩm nào đạt thương hiệu mang tầm quốc tế hoặc khu vực…
Đồng bộ giải pháp
Trước hết và quan trong nhất là gỡ "nút thắt" về cơ chế, chính sách. Theo đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ cần đủ tầm gắn với quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết cho từng giai đoạn ngắn, trung và dài hạn với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, có tính khả thi.
Quy hoạch tổng thể phát triển CNHT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành tháng 10/2014 với mục tiêu chung đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp. Sản phẩm CNHT đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất (đến năm 2030, tỷ lệ này là 70%) tiêu dùng nội địa, xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp là một định hướng hết sức quan trọng. Tuy nhiên, để thực hiện, cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể, chi tiết, minh bạch trên cơ sở đánh giá tổng thể tiềm năng, lợi thế và khả năng hấp thụ chính sách của DN.
Bên cạnh đó, cần bổ sung vào danh mục được ưu tiên phát triển các ngành nghề, như: Thiết kế kiểu dáng công nghiệp, chế tác mẫu, ý tưởng khoa học - công nghệ…; lựa chọn sản phẩm trong nước có lợi thế về nguồn nguyên, nhiên liệu để có chính sách hỗ trợ phát triển; hình thành nhóm DN cùng lĩnh vực để bổ trợ cho nhau từ vốn, công nghệ, nhân lực; hình thành những sản phẩm, ngành nghề mũi nhọn, tập trung phát triển vùng nguyên liệu cho ngành CNHT… Thêm nữa, tạo chính sách gắn trách nhiệm của những tập đoàn lớn, xuyên quốc gia đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam với việc cam kết sử dụng, hỗ trợ sản phẩm DN trong nước sản xuất. Thậm chí, có thể xem xét điều chỉnh thông qua hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại, thuế suất thuế xuất nhập khẩu...
Ngoài ra, để thực hiện chuyển giao công nghệ thông qua các hình thức liên doanh, liên kết, phải có chính sách linh hoạt hơn. Đơn cử, DN Nhật Bản (Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam…) thường ưu tiên liên doanh, liên kết với DN nhà nước hơn DN tư nhân. Trường hợp này, để khuyến khích họ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ DN vừa và nhỏ Việt Nam tham gia chuỗi liên kết, không thể thiếu vai trò "mai mối" của các cơ quan nhà nước thông qua các chính sách phù hợp. Cùng với đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao hàm lượng công nghệ, trình độ quản lý, vốn, đất đai, hỗ trợ tìm kiếm đối tác, phát triển thị trường… là những điều kiện tiên quyết để phát triển CNHT Việt Nam trong thời gian tới.
Nguồn: Bọ Công Thương