Các tờ trình phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được trình bày tại phiên họp đầu tiên Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV (20/5) và sẽ được biểu quyết thông qua vào đầu tháng 6 tới. Cộng đồng doanh nghiệp tại miền Trung dành sự quan tâm lớn đến vấn đề này và kỳ vọng EVFTA sẽ được thông qua, tạo cú hích cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 đi qua để lại những tác động nặng nề.
Bà Cao Thị Kim Lan - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định:
Thị phần xuất khẩu sang châu Âu tại công ty bị giảm bớt do chịu ảnh hưởng tiêu cực của thẻ vàng từ EU (chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp - IUU), cùng với đó do dịch Covid-19, nhiều đơn hàng xuất đi bị chậm, thậm chí bị hủy. Nếu EVFTA được Quốc hội thông qua ở thời điểm hiện tại thực sự sẽ rất tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, doanh nghiệp thủy sản nói riêng có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu. Bản thân doanh nghiệp chúng tôi cũng đã có những kế hoạch cụ thể để quay lại đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu và đang chờ đợi kết quả biểu quyết thông qua từ kỳ họp Quốc hội lần này.
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được hưởng lợi nhiều từ EVFTA nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật trong hiệp định |
Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng):
Với các điều khoản và cam kết chất lượng cao, tôi tin tưởng EVFTA sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này. Bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu như Thuận Phước dành sự quan tâm đặc biệt đến kỳ họp lần này. Hiệp định nếu được thông qua sẽ mở ra một không gian mới, thời kỳ mới cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Bởi nếu được thông qua, hiệp định sẽ có hiệu lực ngay trong tháng 7/2020, trong điều kiện Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia đầu tiên tái khởi động lại các hoạt động kinh tế sau Covid-19, thì EVFTA sẽ là một cú hích cho kinh tế Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển trong thời gian tới. EVFTA cũng là thách thức vô cùng lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu thì các tiêu chuẩn kỹ thuật (hàng rào phi thuế quan) là một thách thức lớn. Bởi việc xuất khẩu qua châu Âu ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn chung của EU, thì ở mỗi quốc gia nhập khẩu đều có những tiêu chuẩn riêng, khắt khe, mà những tiêu chuẩn đó đến từ những hội, hiệp hội không phải tổ chức nhà nước nhưng có uy tín rất lớn như hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các hội về bảo vệ môi trường…, các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, bảo hộ thương hiệu…. Dù vậy, đây rõ ràng là một cơ hội rất lớn, là điều kiện cực kỳ thuận lợi để gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu Việt Nam, cũng là cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải thay đổi mình nếu không muốn bị đào thải. Riêng Thuận Phước tự tin đáp ứng toàn bộ các quy định cũng như các ràng buộc hợp đồng kinh doanh của các đối tác có các tiêu chuẩn, quy định khắt khe nhất. Hiện châu Âu chiếm khoảng 60% thị phần xuất khẩu của Thuận Phước, chúng tôi cũng trở thành một mắt xích trong chuỗi phân phối toàn cầu của chế biến thủy sản.
Nhưng vấn đề then chốt cộng đồng doanh nghiệp muốn nhìn thấy qua kỳ họp Quốc hội lần này nếu EVFTA được thông qua đó chính là quyết tâm thay đổi, vượt qua thách thức thể chế. Hàng loạt các luật, bộ luật sẽ phải sửa đổi để phù hợp với những tiêu chuẩn mà EVFTA đưa ra theo hướng tự do thương mại như Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động, Luật Đầu tư, Luật Đất đai…. Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất không đến từ doanh nghiệp mà đến từ thể chế. Tôi tâm đắc với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đó là “Chúng ta chống dịch như chống giặc” và bây giờ “Chống trì trệ như chống dịch”, Việt Nam đã làm rất tốt chống dịch, cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi việc chống trì trệ cũng sẽ được thực hiện quyết liệt và hiệu quả như vậy.
Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đã có sự chuẩn bị sẵn sàng chờ đợi EVFTA có hiệu lực |
Ông Nguyễn Hữu Vinh – Trưởng phòng Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Công ty CP Dệt may 29/3 (Đà Nẵng):
Châu Âu là thị trường chiếm 50 - 55% thị phần xuất khẩu của công ty. Hiện chúng tôi đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về quy tắc xuất xứ như các yêu cầu quy tắc xuất xứ về nguyên phụ liệu cho hàng dệt may để được hưởng ưu đãi thuế quan nếu EVFTA được Quốc hội thông qua. Bản thân chúng tôi hiện đang xuất khẩu đơn hàng trực tiếp sang Pháp và được hưởng những ưu đãi về thuế tốt nhất đến thời điểm hiện tại. EVFTA là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp muốn vào thị trường châu Âu. Đối với những doanh nghiệp đã vào thị trường này từ lâu như Công ty 29/3, với những nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn của hiệp định, chúng tôi kỳ vọng hiệp định sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu diễn ra mạnh mẽ hơn, sẽ có nhiều đối tác tìm đến để hợp tác với 29/3 hơn, có thêm nhiều đơn hàng, cũng như khách hàng tại châu Âu có thêm nhiều sự lựa chọn.
Ông Nguyễn Trường Thiên – Giám đốc Xí nghiệp mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ (Quảng Nam):
Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi về việc nhập khẩu các nguyên phụ liệu phục vụ hoạt động sản xuất của công ty khi EVFTA được thông qua và có hiệu lực. Một số nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, gia công các mặt hàng mây tre lá được đơn vị ủy thác của Âu Cơ nhập từ châu Âu để đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn của đối tác tại thị trường châu Âu. Chúng tôi mong rằng, EVFTA sẽ được thông qua và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ việc nhập khẩu thuận lợi và giá thành thấp hơn các nguyên phụ liệu từ thị trường này. Ở góc độ xuất khẩu, chúng tôi kỳ vọng với việc thuế nhập khẩu vào EU về 0% sẽ giúp đối tác giảm giá thành sản phẩm tại quốc gia nhập khẩu, kích thích tiêu dùng và lựa chọn hàng Việt nhiều hơn và chúng tôi sẽ có thêm nhiều đơn hàng hơn.
EVFTA là cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ uy tín tăng đơn hàng |
Ông Huỳnh Trinh – Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng:
Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng chuyên xuất khẩu các mặt hàng chế biến từ gỗ. Trong EVFTA có những yêu cầu về tiêu chuẩn nguồn gốc xuất xứ gỗ nguyên liệu. Chúng tôi kỳ vọng những tiêu chuẩn này sẽ giúp doanh nghiệp chân chính với những doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu gỗ không rõ/không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, từ đó có thêm nhiều đơn hàng, đối tác để xuất khẩu sản phẩm gỗ thành phẩm của Việt Nam sang EU. Nếu được Quốc hội thông qua, EVFTA thực sự là cơ hội cho những doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản chân chính khẳng định mình.
Nguồn: Báo Công thương