Bạn đang ở đây

Cơ hội xuất khẩu hàng hóa đi toàn cầu qua thương mại điện tử

26/06/2019 09:22:19

Thương mại điện tử xuyên biên giới đã tạo ra hàng nghìn tỷ USD cho hoạt động kinh tế những năm gần đây và đang tiếp tục tăng tốc. Với dân số trẻ, lượng người dùng smartphone chiếm tỷ trọng lớn, TMĐT tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ thời gian qua.

Cụ thể năm 2013, TMĐT mang doanh thu về cho Việt Nam 2,2 tỷ USD, đến năm 2017 lên 6,2 tỷ USD. Năm 2018, doanh thu từ TMĐT tiếp tục lên 7,8 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2015. Nếu vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 30% như hiện nay thì đến năm 2020, TMĐT Việt Nam sẽ đạt doanh thu đến 13 tỷ USD.

thuong mai dien tu mang lai co hoi cho doanh nghiep xuat khau hang hoa di toan cau

Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam, TMĐT xuyên biên giới đã trở thành một kênh quan trọng cho việc xuất khẩu và hiện có 32% DN nhỏ và vừa Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến. Việc gia nhập những nền tảng TMĐT B2B giúp DN xuất khẩu tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới, giảm chi phí liên quan đến việc xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu.

Hiện các sàn TMĐT lớn của thế giới là Alibaba.com, Amazon.com đã tiếp cận và thâm nhập mạnh hơn vào Việt Nam. Bà Selina Xie - Quản lý thị thị trường của Alibaba.com tại Việt Nam - cho biết, DN xuất khẩu của Việt Nam có thể xuất khẩu toàn cầu thông qua nền tảng TMĐT. Alibaba.com là một trong những kênh TMĐT dẫn đầu thế giới và thông qua Alibaba.com, DN có cơ hội quảng bá sản phẩm tới 260 triệu nhà mua hàng trên thế giới với hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam là một trong những thị trường lớn nhất của Alibaba tại châu Á và cũng là một trong 10 quốc gia hàng đầu về xuất khẩu các mặt hàng may mặc, da giày, hải sản, thủ công mỹ nghệ. Những mặt hàng này cũng phù hợp với các đối tác của Alibaba trên thế giới.

Theo bà Selina Xie, DN nên bắt đầu kinh doanh quốc tế thông qua TMĐT ngay cả khi DN đã có khách hàng đều đặn bởi các nhà nhập khẩu quốc tế thường tìm kiếm nguồn cung cấp hàng hóa trong thời đại số thông qua kênh TMĐT điều này hoàn toàn khác với các nhà mua mua hàng truyền thống. Ngoài ra, TMĐT cũng giúp các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa vươn ra thế giới thông qua kênh xuất khẩu trực tuyến.

Việc bán hàng qua các sàn TMĐT cũng là một trong những cách nhanh nhất để các DN có thể xây dựng thương hiệu riêng của mình, từ đó đưa hàng xuất khẩu ra toàn cầu nhất là các DN vừa và nhỏ, mở rộng kinh doanh nhưng không mất nhiều chi phí đầu tư. Thông qua kênh Alibaba.com, giá trị hàng xuất khẩu từ DN Việt Nam có thể tăng nhiều hơn khi các DN nhỏ và vừa có cơ hội tham gia xuất khẩu trực tiếp. Việc Alibaba.com hợp tác với một sàn TMĐT Việt Nam là Fado để hỗ trợ, đào tạo các kỹ năng, kiến thức về TMĐT xuyên biên giới nhằm nâng cao năng lực chào hàng trực tuyến cho các DN xuất khẩu của Việt Nam cũng đang mở ra cho các DN vừa và nhỏ Việt Nam cơ hội xuất khẩu trực tuyến đầy tiềm năng.

Đến nay hạ tầng pháp lý của TMĐT tại Việt Nam đã tương đối đầy đủ và có điều chỉnh tất cả lĩnh vực quan trọng như giao dịch điện tử, bảo vệ người tiêu dùng trên mạng, bảo vệ thông tin cá nhân người dùng, Luật An ninh mạng… Ngoài ra, Chính phủ và các bộ, ngành cũng xây dựng văn bản luật kèm theo các nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, để sử dụng TMĐT hỗ trợ hoạt động xuất khẩu cho DN, đòi hỏi sự phối hợp của cơ quan quản lý ở nhiều lĩnh vực như hải quan, thuế, ngân hàng…