Theo kế hoạch của Chương trình XTTMQG năm 2019, từ ngày 10-13/6, Cục XTTM (Bộ Công Thương) đưa 40 DN Việt Nam sang giao dịch thương mại tại Trung Quốc. DN tham gia giao thương gồm những tên tuổi trong ngành công nghiệp thực phẩm như: Baseafood, Vinamilk, Elovi, Tigifood, Tập đoàn Liên Việt, Thực phẩm Tân An… cùng các DN vừa và nhỏ có năng lực sản xuất, kinh doanh.
|
Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh |
Đoàn giao dịch thương mại Việt Nam sang Trung Quốc có quy mô lớn nhất từ trước tới nay do Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. Sự kiện được kỳ vọng giúp DN trong nước tiếp cận với các nhà nhập khẩu uy tín, tăng số lượng hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Đây chỉ là một trong số nhiều hoạt động XTTMQG được Cục XTTM triển khai hiệu quả thời gian qua. Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2011 - 2018, các hoạt động thuộc Chương trình XTTMQG đã hỗ trợ gần 49.000 lượt DN. Tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện đạt trên 16,15 tỷ USD và gần 3.900 tỷ đồng, thu hút trên 26,5 triệu lượt khách tham quan, mua sắm.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM – chia sẻ, dù nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ không cao, chỉ khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm nhưng chương trình đã thu hút được gấp 3 - 4 lần từ nguồn xã hội hóa. Nguồn vốn này góp phần tạo ra mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước khoảng 10% mỗi năm.
Tuy nhiên, ông Vũ Bá Phú cũng băn khoăn: Nguồn vốn cho Chương trình XTTMQG còn ở mức thấp so với các nước và chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, khi Việt Nam tuân thủ các cam kết thương mại quốc tế, việc hỗ trợ mang tính trợ cấp trực tiếp buộc phải bãi bỏ thì Chương trình XTTMQG được nhận định là công cụ minh bạch, hữu hiệu hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, yêu cầu với Chương trình XTTMQG được đặt ra ngày một cao, Bộ Công Thương luôn cố gắng đổi mới phương thức tổ chức thực hiện chương trình. Trong đó, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ trì xây dựng và triển khai các đề án XTTM mang tính trung và dài hạn; đẩy mạnh mô hình hỗ trợ XTTM theo chuỗi giá trị; phát triển sản phẩm đến xây dựng thương hiệu và thâm nhập thị trường để đảm bảo hiệu quả xuất khẩu bền vững…
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của chương trình, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức XTTM Việt Nam và quốc tế xây dựng hệ sinh thái XTTM nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN xuất khẩu; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tận dụng các nguồn lực về kỹ thuật và tài chính; đổi mới và đa dạng hóa hoạt động XTTM; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ XTTM...
Nguồn: Báo Công Thương