Bạn đang ở đây

Chung tay nâng tỷ lệ thanh toán không tiền mặt trong kênh bán lẻ

02/08/2019 10:33:38

Lo ngại bảo mật và chi phí phát sinh

Tại Việt Nam, Chính phủ rất quan tâm đến việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt bởi những lợi ích lớn. Với hệ thống phân phối, theo mục tiêu của Chính phủ, đến cuối năm 2020, 100% siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng, ngành bán lẻ đã vào cuộc.

chung tay nang ty le thanh toan khong tien mat trong kenh ban le
Người tiêu dùng vẫn có thói quen thanh toán tiền mặt khi mua sắm

Mặc dù được Chính phủ khuyến khích, doanh nghiệp tích cực triển khai song hiện nay tỷ lệ thanh toán không tiền mặt trong các kênh bán lẻ vẫn còn hạn chế. Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng giám đốc Thường trực của Saigon Co.op nêu thực tế: Ở Việt Nam hiện thanh toán không tiền mặt mới chỉ đạt mức 4,9% (bao gồm cả kênh thương mại điện tử), còn riêng với mô hình bán lẻ có thông qua cửa hàng như Saigon Co.op thì tỷ lệ thanh toán không tiền mặt hiện chỉ xấp xỉ 3%.

Lý giải nguyên nhân này, ông Đức cho rằng có rất nhiều khách hàng chưa hiểu hết về các loại hình thanh toán không tiền mặt. Họ nghĩ thanh toán không tiền mặt hiện chỉ có quẹt thẻ nhưng thực tế nhiều hình thức thanh toán không tiền mặt khác như quét mã QR, ví điện tử đều đã được triển khai tại Saigon Co.op.

Thực tế mà Saigon Co.op đang gặp phải hiện nay cũng là bài toán khó với rất nhiều đơn vị bán lẻ khác như Lotte Mart, Big C, GS 25… khi triển khai hình thức thanh toán không tiền mặt cho khách hàng.

chung tay nang ty le thanh toan khong tien mat trong kenh ban le
Sử dụng thẻ khi thanh toán là xu hướng ở các nước phát triển

Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào chỉ ra rằng, bảo mật đang là thách thức lớn nhất cản trở việc thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam bên cạnh những nguyên nhân khác như thói quen dùng tiền mặt, nhận thức về dịch vụ tài chính của dân cư, hạ tầng pháp lý chưa hoàn thiện.

Còn theo người tiêu dùng, nhất là những người ở khu vực nông thôn, khu công nhân lao động… thì vấn đề bảo mật và chi phí đúng là lo ngại nhất của họ. Nhiều người cho rằng khi sử dụng quẹt thẻ hoặc dùng mã QR phức tạp và dẫn đến phí sử dụng cao hơn.

Nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

Theo nhân định của các nhà bán lẻ, việc sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt giúp siêu thị thuận tiện hơn trong quản lý dòng tiền (giảm chi phí kiểm đếm, lưu kho, vận chuyển) còn người tiêu dùng sẽ có lợi ích khi được hưởng ưu đãi, không phải mang theo tiền mặt… Do đó, để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, các doanh nghiệp như Saigon Co.op, Big C, Vinmart, Nguyễn Kim… đã liên kết với các ngân hàng lớn phát hành thẻ đồng thương hiệu, tổ chức các chương trình đặc biệt dành cho khách hàng sử dụng thẻ Visa như khuyến mãi, giảm giá, tặng điểm, tặng quà, hoàn tiền cho khách hàng...

chung tay nang ty le thanh toan khong tien mat trong kenh ban le
Thanh toán qua mã QR đang dần được phổ biến

Là đơn vị liên kết với những nhà bán lẻ trên, bà Đặng Tuyết Dung cho biết, công nghệ thanh toán không tiếp xúc (contactless) của Visa đã hiện diện tại các chuỗi siêu thị lớn tại Việt Nam. Dịch vụ thanh toán sử dụng mã QR của Visa cũng là một điểm nổi bật, cho phép khách hàng sử dụng điện thoại di động để quét mã QR tại cửa hàng và chuyển tiền an toàn cho hàng hóa hoặc dịch vụ được mua. Việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt sẽ được hỗ trợ bởi yêu cầu 100% siêu thị, trung tâm mua sắm và cửa hàng phân phối phải tích hợp thiết bị đầu cuối thanh toán để cho phép khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Thành phố đang đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, hướng dẫn họ dùng thẻ thông minh, điện thoại di động để thanh toán khi mua sắm. Mặt khác, UBND sẽ làm việc với các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng nhà nước để các thanh toán của người dân được thực hiện thông suốt mà không có phí nào khác nhằm khuyến khích họ tham gia.

“Với các trung tâm thương mại, siêu thị cụ thể như Saigon Co.op, Satra… Thành phố sẽ có chỉ đạo để những đơn vị này có những hình thức giảm chi phí thanh toán khuyến khích người dân không sử dụng tiền mặt”, ông Tuyến cho biết thêm.

Theo đánh giá của các nhà bán lẻ, để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại hệ thống phân phối ngoài sự nhập cuộc của các nhà bán lẻ vẫn cần sự chung tay của nhiều đơn vị để việc thanh toán không dùng tiền mặt phát triển nhanh. Cụ thể, các cơ quan chức năng phải tăng cường dịch vụ thanh toán thẻ, phát triển thanh toán điện tử phục vụ thương mại điện tử, phát triển thanh toán không tiền mặt tại khu vực nông thôn. Nhưng muốn vậy, phải phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán, chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn, như thanh toán qua điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số.

Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào:

Đầu năm nay, Visa đã ra mắt Lộ trình an ninh thanh toán cho Việt Nam, tập trung khai thác các sáng kiến đột phá, hỗ trợ phát triển an ninh trong thanh toán nhằm đáp ứng được tốc độ mà công nghệ đang thay đổi hành vi thanh toán của người tiêu dùng. Lộ trình an ninh thanh toán cho Việt Nam bao gồm những cột mốc chiến lược từ thời điểm hiện tại đến năm 2021. Yếu tố bảo mật trong hệ sinh thái thương mại là ưu tiên hàng đầu của Visa, và chúng tôi xem đây là trách nhiệm cần được chia sẻ giữa mạng lưới thanh toán, người tiêu dùng, các ngân hàng cũng như Chính phủ.